Báo cáo "Ứng viên nước ngoài: Thách thức và kỳ vọng khi làm việc tại Việt Nam" được thực hiện nhằm giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn những thách thức của người nước ngoài, đồng thời đề xuất những phương án để doanh nghiệp có thể hỗ trợ họ được tốt hơn trong việc hội nhập.
50% ứng viên bị sốc văn hóa
Việt Nam hiện nay đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, điều kiện địa lý thuận lợi, chính trị ổn định và nhiều chính sách thương mại tự do đã được thông qua. Tuy nhiên, tại nhiều lĩnh vực mới trỗi dậy, nguồn nhân lực trong nước chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, những ứng viên nước ngoài là sự lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp này.
Theo dự đoán từ trang tuyển dụng VietnamWorks thuộc tập đoàn Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng ứng viên người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới.
Đứng từ góc nhìn của người làm quản trị nhân sự, sự đa dạng về quốc tịch tại nơi làm việc cũng góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và tư duy sáng tạo cho môi trường công sở. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho Việt Nam là làm sao để ứng viên nước ngoài có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường và văn hóa tại Việt Nam?
Theo kết quả khảo sát, có đến hơn 50% ứng viên nước ngoài cho biết họ đã từng trải qua sốc văn hóa khi làm việc tại Việt Nam. Chính những khác biệt liên quan đến văn hóa và nền tảng xã hội nên việc tạo ra sự gắn kết với những nhân viên nước ngoài cũng có những khác biệt nhất định khi so với nhân viên người Việt.
Khi được hỏi về lý do quyết định chuyển đến Việt Nam làm việc, khoảng 50% cho rằng họ chuyển sang Việt Nam do có sự hứng thú trong trải nghiệm văn hóa và môi trường làm việc tại đây, trong đó 25% cho biết họ hứng thú với văn hóa Việt Nam, 24% cho rằng họ muốn được trải nghiệm thị trường mới.
[Lao động 4.0: Thời của những công việc đòi hỏi kỹ năng 'mở']
Đúng với lý do đến Việt Nam làm việc do hứng thú với trải nghiệm mới, ứng viên nước ngoài cũng không thể hiện quá nhiều tham vọng được thăng tiến cao hơn khi làm việc tại đây. Theo đó, chỉ 25% cho biết họ muốn được thăng tiến cao hơn tại Việt Nam, 65% không có mong đợi thăng tiến bởi nhiều lý do khác nhau.
Linh hoạt trong phúc lợi
Theo khảo sát, xuất hiện sự khác biệt giữa các “phúc lợi đặc biệt ứng viên nước ngoài đang được nhận” và “các phúc lợi họ nghĩ rằng quan trọng nhất”. Theo đó, top 3 những phúc lợi đặc biệt mà các chuyên gia nước ngoài đang nhận được nhiều nhất lần lượt là: Kinh phí cho việc dịch chuyển sang Việt Nam; Chi phí cho nhà ở; Hỗ trợ chi phí khi về nước.
Tuy nhiên, khi được hỏi đâu mới là phúc lợi quan trọng nhất, thì top 3 lần lượt là: Phúc lợi về sức khỏe (khám bệnh định kỳ, chi phí tham gia dịch vụ thể thao…); Nghỉ phép có lương (nghỉ phép hàng năm, việc cá nhân, làm việc tại nhà,…) và chi phí nhà ở.
Thang điểm đánh giá về mức độ hài lòng chung của ứng viên nước ngoài đạt ở mức 3,5/5. Trong đó, 56% ứng viên nước ngoài cho rằng họ hài lòng ở các mức độ khác nhau.
Mặc dù những phúc lợi tại Việt Nam đạt được sự hài lòng của ứng viên nước ngoài, nhưng chế độ phúc lợi tại quê nhà vẫn được họ đánh giá tốt hơn. Có tới 53% ứng viên nước ngoài cho rằng đất nước của họ có nhiều chính sách tốt hơn so với Việt Nam. Chỉ có 26% cho rằng các chính sách tại Việt Nam tốt hơn và 19% ứng viên còn lại nhận định không có sự khác biệt.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navigos Group Việt Nam cho rằng cần linh hoạt trong chính sách phúc lợi nếu muốn tuyển ứng viên nước ngoài và nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng 4.0, nếu như doanh nghiệp hướng đến tạo ra "môi trường làm việc đa dạng hóa" và xây dựng một "nền văn hóa doanh nghiệp giao thoa" thì việc có một đội ngũ ứng viên cấp cao người nước ngoài là điều nên cân nhắc cho doanh nghiệp.
“Tôi tin rằng đây cũng là bước đệm đưa Việt Nam lĩnh hội tốt hơn ‘phong cách lãnh đạo toàn cầu’ đồng thời giúp các doanh nghiệp FDI nhanh chóng hòa nhập và phát triển bền vững khi đầu tư tại Việt Nam, bởi sẽ không còn bất cứ rào cản nào về văn hóa hay phong cách làm việc trong thời kỳ chuyển đổi số,” ông Gaku Echizenya nói./.