Nhắc đến những bộ phim về học đường, không chỉ có những hình tượng truyền thống mang đầy tính... "sách vở" như bảng đen, giấy trắng, đồng phục, khăn quàng...
Mối quan hệ vừa nghiêm trang thầy-trò đôi khi vướng phải những tình huống hết sức oái oăm trên ghế nhà trường bởi sự tinh quái đến hài hước của các cô cậu học sinh, cũng như sự dí dỏm của các thầy cô giáo - vừa là người dạy, vừa là người bạn của đám "thứ ba học trò"...
1. School of Rock (2003)
Đạo diễn: Richard Linklater
Diễn viên: Jack Black, Mike White, Joan Cusack
Trailer phim: https://youtu.be/XCwy6lW5Ixc
Bộ phim âm nhạc-hài Mỹ với sự tham gia diễn xuất của nam diễn viên hài Jack Black. Trong phim, anh vào vai Dewey Finn, tay guitar nhạc Rock’n Roll luôn nuôi mộng rằng một ngày nào đó anh sẽ tạo được cú “hit” lớn cho nền nhạc rock thế giới.
Vì thiếu tiền thuê nhà, nên Dewey đóng giả làm thầy giáo Schneebly, cũng là bạn của mình, về dạy cho những học sinh lớp 4 trường dự bị Horace Green. Sau đó, Finn nhận ra mình hoàn toàn không có khiếu đứng lớp, anh quyết định dạy cho học sinh của mình Rock’n Roll.
Đồng thời, Finn phát hiện ra những cô/cậu bé hằng ngày e dè, hay xấu hổ thật ra là những tài năng âm nhạc “nhí” thực thụ. Nhờ sự động viên, chất lửa mà Finn truyền cho các em, những cô/cậu học sinh đã phá vỡ hình ảnh ngoan hiền của mình để trở thành những “ngôi sao nhạc rock” của trường học.
Hài hước nhưng đầy nhân văn, ngoài ra người xem còn được nghe lại nhiều ca khúc rock đình đám thập niên 70 của nhiều ban nhạc nổi tiếng như Jimmy Hendricks, Led Zeppelin và Black Sabbath.
2. Dead Poet Society (1989)
Đạo diễn: Peter Weir
Diễn viên: Robin Williams, Robert Sean Leonard
Trailer phim: https://youtu.be/4lj185DaZ_o
Một trong các vai diễn để đời của nam diễn viên quá cố Robin William. Dead Poet Society (tựa Việt “Hội cố thi nhân”) lấy bối cảnh tại trường Welton Vermont, một ngôi trường phổ thông nam sinh nổi tiếng với việc dạy học cổ điển và bảo thủ.
Những nam sinh học tại trường luôn bị bó buộc vào những quy tắc truyền thống vô cùng giáo điều. Cho đến khi họ gặp được giáo sư Keating (Robin Williams thủ vai), vị giáo sư đáng kính với tư tưởng tiến bộ, đã làm sống lại niềm đam mê thơ ca cho nhiều chàng trai và cả câu lạc bộ “Hội cố thi nhân” từ lâu bị lãng quên.
Từ đó, Keating truyền cảm hứng đến những nam sinh này quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.
“Hội cố thi nhân” được công chiếu năm 1989 và nhận được vô vàn lời khen từ các nhà phê bình lẫn khán giả xem phim.
Diễn xuất tài năng của diễn viên William mang về cho ông giải đề cử Oscar “Diễn viên chính xuất sắc” và bộ phim cũng giành được tượng vàng Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
3. Mona Lisa Smile (2003)
Đạo diễn: Mike Newell
Diễn viên: Julia Roberts, Kirsten Dunst, Julia Stiles
Trailer phim: https://youtu.be/Y07Znu8rGP0
Bộ phim ghi dấu ấn rõ nét của “người đàn bà đẹp” Julia Roberts. Vào vai giáo viên Watson dạy ở trường nữ sinh nổi tiếng Wellesley, cô được giao trọng trách chủ nhiệm một lớp nữ sinh xinh đẹp, có thành thích học tập ưu tú và gia thế giàu có.
Chắc hẳn những cô gái đầy tài năng như vậy sẽ trở thành quý bà quyền lực sau này, nhưng họ không thoát khỏi định kiến xã hội tại thời điểm đó. Các cô gái vẫn muốn “an phận” mình, ra trường, tìm cho mình một người chồng và trở thành người vợ đảm đang.
Mọi sự thay đổi khi Katherin Watson, cô giáo mới đến dạy bộ môn nghệ thuật, với tư tưởng cấp tiến của mình. Bằng những lời khuyên “Hãy can đảm đi theo trái tim mình,” những câu chuyện tâm tình, hài hước nhẹ nhàng, không giáo điều, Watson khiến nhiều nữ sinh thay đổi ý nghĩ “yên phận” của mình, giải thoát họ ra khỏi sự tù túng gò bó hàng ngày.
Với sự tham gia của “người đàn bà đẹp” cùng nhiều “nàng thơ” khác như Kirsten Dunst, Julia Stiles hay Maggie Gyllenhaal. "Nụ cười Mona Lisa" cũng giành được nhiều lời khen từ giới phê bình điện ảnh.
4. Freedom Writers (2007)
Đạo diễn: Richard LaGravenese
Diễn viên: Hilary Swank, Imelda Staunton, Patrick Dempsey
Trailer phim: https://youtu.be/JhXMJlm852A
"Freedom Writers" là bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là năm 1994 tại Long Beach, California. Erin Gruwell (Hilary Swank thủ vai) là một giáo viên mới ra nghề và được phân công về ngôi trường phổ thông Woodrow Wilson. Tại đây, cô dạy tiếng Anh cho một lớp học hội tụ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội.
Các học sinh đến từ mọi quốc gia khác nhau như Mỹ Latinh, người Mỹ da đen và cả người châu Á. Việc này dẫn đến một cuộc chiến sắc tộc ngay trong lớp học của Erin Gruwell.
Không may cho Gruwell, vì cô là người da trắng duy nhất trong lớp nên cô bị ghét bởi chính học trò của mình. Song, bằng tình yêu thương của mình, cuối cùng, Gruwel đã hóa giải được những thù hằn sắc tộc và khích lệ học trò chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình.
Lấy đề tài gây tranh cãi muôn thuở: sắc tộc, giàu tính nhân văn và lòng yêu thương không phân biệt màu da, chủng tộc, bộ phim đã mang về cho Hilary Swank giải Diễn viên nước ngoài xuất sắc của Golden Camera (Đức).
5. Ten things I hate about you (1999)
Đạo diễn: Gil Junger
Diễn viên: Heath Ledger, Julia Stiles, Joseph Gordon-Levitt
Cảnh tỏ tình trong phim của Patrick: https://youtu.be/y6baRWhZ9sE
Được chuyển thể từ vở kịch “The Taming of the Shrew” của đại văn hào Shakespears. “10 điều làm em ghét anh” (Ten things I hate about you) là câu chuyện về anh chàng Cameron James (Gordon-Levitt) có ý đồ “cưa cẩm” cô nàng Bianca Stratford (Larisa Oleynik).
Nhưng Bianca không được hẹn hò vì bố cô đã đưa ra một luật lệ là chỉ khi nào chị của Bianca, Kat Stratford (Julia Stiles) có bạn trai thì cô mới được hẹn hò với James.
Biết được chị gái của Bianca là một cô nàng đặc biệt và cứng đầu, James đã nhờ một đàn anh khét tiếng trong trường là Patrick Verona (Heath Ledger) đến tán tỉnh Kat.
Điểm nhấn của bộ phim chính là nam diễn viên tài hoa bạc mệnh Heath Ledger đóng chung cùng tài tử Gordon-Levitt lúc cả hai còn rất trẻ. Phim có nhiều phân đoạn thú vị như cảnh tỏ tình nổi tiếng của Patrick khi anh hát “Can’t take my eyes off of you,” hay lúc Kat đọc bài thơ “10 điều làm em ghét anh” cho Patrick.
Bộ phim được ra mắt năm 1999 và nó cũng giành được vô số giải thưởng cho một phim về đề tài tình yêu tuổi teen như MTV Movie Awards, Teen Choice Awards.
6. Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (2011)
Đạo diễn: Cửu Bả Đao
Diễn viên: Kha Chấn Đông, Trần Nghiên Hi
Trailer phim: https://youtu.be/FyRysi1Vovs
“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa. Mỗi người đều từng có khoảng thời gian bồng bột đấy, khoảng thời gian mà mọi câu con trai cùng thích một cô gái trong lớp, đi qua tháng ngày với những trò nghịch ngợm hoang đường không tên. Thế rồi, tuổi thanh xuân lặng lẽ qua đi…”
Những kỷ niệm thời cấp 3 vô tư, cảm xúc yêu-ghét-giận-hờn rất đỗi học trò. Một giây phút ngẩn ngơ của đám con trai khi thấy mái tóc mây của người con gái mình “thầm thương trộm nhớ,” hay chỉ là cái chọc bút của cô gái bàn sau với chàng trai ngồi phía trước. Và rất nhiều hình ảnh “thứ 3 học trò” tinh nghịch mà khi xem, khán giả như tìm được chính tuổi trẻ của mình trong đó.
“Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” là bộ phim về đề tài học trò không chỉ gây “sốt” với khán giả. Mặt khác về mặt doanh thu, đây là bộ phim điện ảnh đạt doanh thu cao thứ 3 trong năm 2011 tại Đài Loan, tổng doanh thu hơn 420 triệu tân Đài tệ.
7. 12A và 4H (1995)
Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
Diễn viên: Huệ Anh, Thu Hương, Thu Hiền, An Quý, Quốc Tuấn
Bài hát “Mùa hè đã qua” trong 12A và 4H: https://youtu.be/fAoZ0-lNJwI
Chắc chắn khán giả thế hệ 8x và đầu 9x Việt Nam không thể nào quên bộ phim “đi cùng năm tháng” về đề tài tuổi mộng mơ này.
12A và 4H xoay quanh câu chuyện về nhóm bạn gái 4H Hạ, Hân, Hoa và Hằng. Tuy có gia cảnh khác nhau nhưng bốn cô chơi rất thân và đều là học sinh giỏi của lớp 12A.
Bộ phim dựa theo tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn “Vĩnh biệt mùa Hè” của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, 12A và 4H được yêu thích như là một trong những hình ảnh đẹp nhất về thầy cô và mái trường, về tuổi học trò và cả những mối tình đầu thơ mộng và trong sáng.
Ngoài ra, bài hát trong phim “Mùa Hè đã qua” cũng gây xúc động cho người xem, khi họ được trở về giây phút chia tay học trò bồi hồi khó quên./.