70% công ty Đức đánh giá thị trường Việt Nam phát triển tích cực

Khoảng 70% các công ty Đức khẳng định thị trường Việt Nam đã phát triển tích cực, 60% doanh nghiệp nước này có kế hoạch tăng nhân sự trong năm 2015 và giữ mức chi đầu tư tái sản xuất tương đối cao.
70% công ty Đức đánh giá thị trường Việt Nam phát triển tích cực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Ngày 29/7, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Đông Nam Á đã công bố kết quả cuộc khảo sát của các doanh nghiệp Đức đã và đang hoạt động tại Việt Nam.

Các công ty Đức tại Việt Nam tham dự trong cuộc khảo sát chủ yếu đến từ các lĩnh vực như công nghiệp (48%), dịch vụ (35%), kinh doanh (9%), tư vấn (6%) và kiểm định (3%).

Các câu hỏi tập trung chủ yếu vào niềm tin kinh doanh, kỳ vọng tăng trưởng, đầu tư và và các chỉ số về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và so với một năm vừa qua đồng thời đưa ra dự báo cho năm tới. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Đức cũng được hỏi về quan điểm của họ về sự phát triển kinh tế vĩ mô của nước sở tại.

Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Đức nhìn chung đều khẳng định xu hướng tích cực về triển vọng phát triển kinh tế tại Việt Nam của mình. Các công ty Đức đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua và họ đều kỳ vọng cao cho năm 2015 về sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh, nhu cầu nhân lực và đầu tư tái sản xuất của công ty họ.

Trong số này, khoảng 70% các công ty Đức khẳng định thị trường tại Việt Nam đã phát triển tích cực trong năm qua và họ cũng đặt kỳ vọng vào sự tiếp tục phát triển cho năm 2015 dựa vào các tiêu chí đánh giá như tình hình kinh tế vĩ mô, chi phí vốn, tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Khoảng 50% các công ty Đức đã đạt được nhiều thành công hơn so với năm trước và kỳ vọng vào năm tới với mức độ phát triển tích cực, đặc biệt là trong kinh doanh; hơn 56% các công ty tin tưởng vào sự phát triển tích cực của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới; 60% các công ty Đức có kế hoạch tăng nhân sự trong năm 2015 và giữ mức chi đầu tư tái sản xuất tương đối cao.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, đội ngũ lao động có kỹ năng vẫn còn thiếu hụt tại Việt Nam: Khoảng 70% các công ty Đức tại Việt Nam cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm các kỹ sư lành nghề; 46% công ty gặp trở ngại để tuyển các công nhân kỹ thuật có tay nghề. Điều này cho thấy sự thiếu hụt đáng kể của nguồn lao động lành nghề tại Việt Nam.

Chính vì vậy, hầu hết các công ty Đức đã và đang tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân viên, 70% trong số họ tin rằng mô hình dạy nghề song hành của Đức là một sự lựa chọn tốt cho Việt Nam.

Sự thiếu hụt công nhân lành nghề và các chính sách không có lợi cho việc thúc đẩy kinh doanh của Chính phủ vẫn còn là những rào cản đáng bận tâm nhất cho việc kinh doanh của các công ty Đức tại Việt Nam. Các ảnh hưởng quan trọng khác có thể kể đến như rào cản trong nhập khẩu (63%), tệ nạn tham nhũng (63%), tình trạng lạm phát (50%) và gánh nặng thuế (46%).

Kết quả của cuộc khảo sát cũng tái khẳng định tầm quan trọng của nhu cầu tiêu thụ trong nước, trên khu vực và quốc tế. Hiệp định tự do thương mại (FTAs) cũng có những ảnh hưởng tích cực trong các hoạt động trao đổi kinh doanh của các công ty Đức tại Việt Nam.

Việc đánh giá tích cực của các công ty Đức tại Việt Nam về sự phát triển của chính họ trong năm qua cũng như kỳ vọng phát triển cho năm tới cho thấy vị thế vững mạnh của các công ty này tại Việt Nam.

Từ năm 2012, 7 phòng đại diện cho Hiệp hội thương mại và công nghiệp Đức tại khu vực ASEAN đã thành lập mạng lưới các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Đông Nam Á (GACN), bao gồm các nước Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.