Trong kỳ họp lần thứ 4 ở Đà Nẵng ngày 5/11, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) đã nhất trí về các khuyến nghị mà ABAC sẽ đệ trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong cuộc họp sắp tới.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên họp toàn thể của ABAC, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017, nói: “Kỳ họp lần thứ 4 đã xem xét lại các khuyến nghị mà ABAC dự kiến sẽ đệ trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong cuộc gặp vào ngày 10/11 và xây dựng chương trình hành động cho năm 2018 tại Papua New Guinea.”
Ông Dũng cho biết lần này, ABAC sẽ tập trung kiến nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ba vấn đề gồm: Tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực và dỡ bỏ hàng rào bảo hộ để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại và đầu tư; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số; Tầm nhìn 2020 và các năm tiếp sau đó.
[Khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC]
Trên thực tế, các nhóm công tác của ABAC đã xây dựng 20 khuyến nghị để đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu ABAC đệ trình tất cả các khuyến nghị này thì sẽ bị dàn trải. Vì vậy, ABAC đã quyết định sẽ chỉ tập trung vào ba vấn đề cốt lõi có ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực.
Năm 1995, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 3 ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã quyết định thành lập ABAC nhằm phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác APEC. ABAC hiện gồm 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực.
Hàng năm, ABAC đều tổ chức họp 4 lần, trong đó 3 kỳ họp đầu tiên diễn ra ở bên ngoài và kỳ họp cuối tại nền kinh tế chủ nhà. Sau ba kỳ họp đầu, các nhóm công tác sẽ tổng hợp và xây dựng các khuyến nghị để đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC tại kỳ họp thứ 4./.