ABBANK đưa vào vận hành hệ thống tính toán tài sản có rủi ro

Việc triển khai Basel II không chỉ nhằm mục đích tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chủ quản mà còn là cơ hội giúp ABBANK hoạt động an toàn hơn do trình độ quản lý rủi ro được tăng cường hơn.
ABBANK đưa vào vận hành hệ thống tính toán tài sản có rủi ro ảnh 1Giao dịch tại ABBANK. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) vừa tổ chức lễ công bố chính thức đưa vào vận hành hệ thống tính toán tài sản có rủi ro (RWA) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Việc triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro (RWA) là bước đi mang tính chiến lược giúp ABBANK nâng cao hiệu quả lợi nhuận và năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng, đồng thời tạo nền tảng quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển hoạt động kinh doanh và thúc đẩy lộ trình triển khai Basel II của ABBANK.

[ABBANK được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5.700 tỷ đồng]

Theo đó, dự án hệ thống tính toán RWA của ABBANK được triển khai với 2 cấu phần.

Thứ nhất là cấu phần tư vấn phương pháp luận với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn là Công ty tư vấn PwC Việt Nam khởi động ngày 5/11/2018, kéo dài trong 9 tháng. Phạm vi của cấu phần này không chỉ dừng lại ở việc xây dựng phương pháp luận tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên cơ sở dữ liệu và đặc điểm kinh doanh của ABBANK mà còn cung cấp cho ABBANK các thông lệ tiên tiến về định giá các sản phẩm nguồn vốn, quản lý hạn mức tín dụng, tài sản đảm bảo và khung phương pháp luận về quản trị vốn và đánh giá hiệu quả theo rủi ro.

Thứ hai là cấu phần đầu tư hệ thống tính toán RWA theo Thông tư 41 của OFSAA do Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) hỗ trợ triển khai khởi động ngày 14/1/2019, kéo dài 12 tháng. Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, cấu phần phương pháp luận đã kết thúc thành công đúng tiến độ vào tháng Chín, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng hệ thống cũng như hoạt động quản lý vốn tại ABBANK trong thực tiễn.

Tiếp bước thành công và kế thừa kết quả từ cấu phần phương pháp luận, ABBANK cùng đối tác FPT IS đã nỗ lực hoàn thành các công tác xây dựng, phát triển, kiểm thử hệ thống tính toán RWA trong những tháng cuối năm. Kết quả tính toán và vận hành hệ thống đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 cũng đã được kiểm toán nội bộ đánh giá độc lập từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.

Việc chính thức đưa vào vận hành hệ thống tính toán RWA theo Thông tư 41 đánh dấu sự kiện ABBANK đã hoàn tất nền móng đầu tiên trong lộ trình tuân thủ Basel và sẵn sàng cho việc tuân thủ Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/1/2020.

ABBANK đưa vào vận hành hệ thống tính toán tài sản có rủi ro ảnh 2Ban dự án RWA chụp ảnh cùng đại diện NHNN và lãnh đạo ABBANK. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao việc ABBANK xác định đầu tư bài bản trong việc xây dựng hệ thống tính toán RWA như một điểm mang tính chất chiến lược trong kế hoạch phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu đưa các thông lệ quản trị rủi ro quốc tế vào hoạt động của Ngân hàng.

Ông Kiên cũng cho biết sau khi đưa vào vận hành hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, ABBANK cần hướng tới tiếp tục triển khai quy trình đánh giá mức đủ vốn nội bộ (ICAAP) - là một cấu phần quan trọng để thực hiện Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó phải nâng cấp hơn nữa về nguồn vốn, về cơ sở dữ liệu, về công nghệ, thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống mở, linh hoạt và tăng cường quản trị dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn kinh doanh và tăng cường cạnh tranh của ngân hàng.

Bên cạnh những ý kiến đánh giá và chỉ đạo đối với ABBANK về việc tiếp tục bám sát lộ trình thực hiện Basel II, ông Kiên cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các ngân hàng nói chung và ABBANK nói riêng trong việc triển khai Basel.

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc ABBANK cho biết: “Để đạt được kết quả này, ABBANK đã nhận được sự tư vấn, giải đáp rất kịp thời từ phía Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đồng hành liên tục trong hơn một năm qua từ đơn vị tư vấn PwC và đơn vị triển khai hệ thống FPT IS. Sự kiện Golive hệ thống tính toán RWA theo Thông tư 41 đồng thời đánh dấu thời điểm kết thúc của Dự án RWA và mở ra giai đoạn mới của ABBANK trên hành trình triển khai Basel.”

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó Ủy ban Basel đưa ra các nguyên tắc chung để giám sát hoạt động ngân hàng nhằm hướng tới phát triển một hệ thống các ngân hàng an toàn và bền vững.

Việt Nam tuy chưa phải là thành viên của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng nhưng thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, quy định theo định hướng Basel nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro và an toàn tài chính để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với khu vực và thế giới.

Để thúc đẩy các ngân hàng tiến tới áp dụng Basel II, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41 ngày 30/12/2016 về tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng và Thông tư 13 ngày 18/05/2018 về hệ thống kiểm soát nội bộ.

Tại ABBANK, ban lãnh đạo ngân hàng nhận định việc triển khai Basel II không chỉ nhằm mục đích tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chủ quản mà còn là cơ hội giúp ABBANK hoạt động an toàn hơn do trình độ quản lý rủi ro được tăng cường hơn cũng như phân bổ quản lý sử dụng nguồn vốn hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.