Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 25/9 cảnh báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm tới, do xuất khẩu giảm sút và căng thẳng thương mại với Mỹ.
ADB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 6% năm 2020, thấp hơn so với các mức dự báo được đưa ra hồi tháng Tư.
Nhà kinh tế trưởng của ADB, Yasuyuki Sawada, nhận định tiêu dùng trong nước sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, trong khi rủi ro suy giảm chủ chốt xuất phát từ xung đột thương mại với Mỹ.
Theo ADB, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiến hành thêm các chính sách hỗ trợ về cả tiền tệ lẫn tài khóa trong những năm tới.
Chính phủ Trung Quốc mới đây công bố đợt phát hành trái phiếu đặc biệt mới của chính quyền các địa phương, với tổng giá trị 2.150 tỷ Nhân dân tệ (302 tỷ USD) vào cuối tháng Chín. Nhà kinh tế cấp cao của ADB Jian Zhuang cho rằng sự hỗ trợ đối với chính sách tài khóa sẽ được tiếp tục trong năm 2020.
Các nhà kinh tế ADB dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường sử dụng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, song cảnh báo việc “ôm nợ” sẽ trở thành vấn đề khi chính quyền địa phương có nhu cầu chi tiêu cao nhưng cơ sở doanh thu yếu.
[ADB: Căng thẳng thương mại phủ bóng lên tăng trưởng khu vực châu Á]
ADB cũng đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát lên 2,6% từ 1,9% cho năm 2019, chủ yếu do giá thịt lợn tăng mạnh trước sự “hoành hành” của dịch tả lợn châu Phi, khiến hơn một triệu con lợn bị tiêu hủy.
Theo ADB, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã giảm mạnh từ 12% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 0,4% trong năm nay. Xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 10% do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Đầu tháng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, qua đó “giải phóng” khoảng 126 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động cho vay đối với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, Thống đốc PboC Yi Gang ngày 24/9 khẳng định ngân hàng này không có nhu cầu cấp bách đối với các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ quy mô lớn hoặc cắt giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, nhằm tung thêm tiền vào thị trường để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc./.