ADB cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại châu Á-TBD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng làm cản trở đà tăng trưởng của khu vực.
ADB cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại châu Á-TBD ảnh 1(Nguồn: abc.net.au)

Trong báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á 2016 công bố ngày 6/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương về nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng làm cản trở đà tăng trưởng của khu vực.

Trong báo cáo, ADB cho biết hoạt động tăng cường liên kết thương mại và thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng giúp cải thiện tính năng động của khu vực trước chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy.

Theo Phó trưởng nhóm chuyên gia kinh tế ADB, Zuzhong Zhuang, thương mại và FDI là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và sự thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Zhuang, khu vực này nên cảnh giác trước nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại và khuyến khích đầu tư tốt hơn nữa để duy trì đà tăng trưởng của khu vực.

Báo cáo cho rằng sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu tạo áp lực cho tăng trưởng thương mại của khu vực vốn đang trên đà giảm sút.

Theo báo cáo, trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng thương mại của châu Á đã giảm xuống 2,3%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 2,7%.

Báo cáo nhấn mạnh rằng sự mở cửa lớn hơn cho thương mại và FDI có thể tạo thêm sự năng động cho khu vực trong bối cảnh toàn cầu tăng trưởng chậm chạp.

Tuy nhiên, các nước cần cải thiện năng lực thể chế, môi trường kinh doanh và tính hiệu quả của các chính sách để khuyến khích FDI.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương thu hút gần 1/3 FDI toàn cầu, trong đó hơn một nửa FDI là liên khu vực nhờ sự phát triển của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Báo cáo cho rằng mở cửa rộng hơn cho thương mại thông qua các thỏa thuận thương mại trong khu vực và các thỏa thuận đầu tư cũng có thể giúp tăng FDI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.