ADB: Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Báo cáo của ADB nhấn mạnh Nam Á vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất khu vực này - đóng vai trò tiên phong.
ADB: Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới ảnh 1Đồng rupee của Ấn Độ. (Nguồn: Indus Dictum)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 11/4 đã công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2018 mới, trong đó đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực này căn cứ tình hình thực tế.

Trong báo cáo trên, ADB cho biết đà tăng trưởng tại hầu hết các nền kinh tế châu Á đang phát triển vẫn được duy trì nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động cùng với nhu cầu hàng hóa nội địa không ngừng tăng cao và ổn định.

Nhờ đó, GDP của toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2018 và 5,9% trong năm 2019, giảm nhẹ so với mức 6,1% của năm 2017.

Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới có thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế còn lại được dự báo đạt 6,5% trong năm 2018 và 6,4% vào năm 2019, giảm so với 6,6% của năm 2017.

[ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong năm 2018]

Báo cáo của ADB ghi nhận các nền kinh tế công nghiệp trong khu vực vẫn đang trên đà phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, trong đó dự báo Mỹ, khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2018, trước khi giảm xuống còn 2% trong năm 2019.

Báo cáo nhận định việc thực hiện chính sách cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ nếu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ kiểm soát lạm phát thông qua việc siết chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, niềm tin doanh nghiệp tăng cao cộng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng euro và Nhật Bản.

Báo cáo nhấn mạnh Nam Á vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất khu vực này - đóng vai trò tiên phong.

Theo báo cáo trên, Đông Nam Á tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động sôi động của thương mại toàn cầu và giá cả hàng hóa tăng cao.

ADB dự báo khu vực này sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2017 và sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% trong cả hai năm 2018 và 2019.

Cụ thể, hoạt động đầu tư và tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi hoạt động mở rộng trong ngành công nghiệp ở Việt Nam sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.

Được sự hỗ trợ của giá hàng hóa tăng cao, khu vực Trung Á được dự báo đạt mức tăng trưởng 4% và 4,2% lần lượt trong năm 2018 và 2019. Trong khi đó, khu vực Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 2,2% và 3% trong 2 năm tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất khu vực này, Papua New Guinea, ổn định trở lại sau trận động đất khiến hoạt động sản xuất khí đốt bị gián đoạn tạm thời.

Cũng theo báo cáo trên, ADB cho rằng sức mua và giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng sẽ khiến lạm phát ở khu vực châu Á tăng cao hơn.

Cụ thể, lạm phát giá cả hàng hóa tiêu dùng ở khu vực này sẽ lên tới 2,9% trong 2 năm 2018 và 2019, tăng so với mức 2,3% trong năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.