ADB sẽ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,5%

Tân Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết ADB sẽ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,5% trong năm 2015 và khoảng 6,6% vào năm 2016.
ADB sẽ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,5% ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 21/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, ông Eric Sidgwick đã đưa ra những nhận định tích cực của ADB về kinh tế Việt Nam.

Cho rằng nhờ sự điều hành đúng hướng, kiên định và hiệu quả trong 3 năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao trở lại; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp; kiểm soát ngân sách tốt và thâm hụt không quá lớn; dữ trữ ngoại hối tiếp tục tăng.

Thâm hụt thương mại không đáng lo ngại vì chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa vốn và nhập khẩu là để phục vụ cho xuất khẩu. Nợ công của Việt Nam tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và đang thực hiện khá tốt chiến lược cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm nợ vay nước ngoài. Bên cạnh đó Việt Nam tiếp tục thu hút một lượng lớn vốn FDI cũng như khôi phục được lòng tin của người tiêu dùng.

“Với những gì chúng tôi thấy, trong cuộc họp báo vào ngày mai (22/9) về tầm nhìn và triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á, ADB sẽ chính thức nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,5% trong năm 2015 và khoảng 6,6% vào năm 2016” - ông Eric Sidgwick cho biết.

Khẳng định mong muốn mục tiêu tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa ADB với Việt Nam vốn hết sức tốt đẹp, ông Eric Sidgwick cho biết đang phối hợp với các cơ quan xây dựng Chiến lược 5 năm hỗ trợ Việt Nam, theo đó ADB sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và lãi suất thấp cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu và phát triển bền vững của Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và ADB, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về chính sách, kỹ thuật và nguồn lực của ADB dành cho Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững của Việt Nam.

Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác tốt đẹp với ADB cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà ADB hỗ trợ; coi ADB là người bạn đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những đánh giá và dự báo của ADB về kinh tế Việt Nam là khá sát với các dự báo của các cơ quan chức năng của Việt Nam; tuy nhiên, nêu rõ Chính phủ Việt Nam chưa hài lòng với những kết quả đạt được, nhất là mục tiêu kiểm soát vững chắc kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và khó dự báo cũng như phải tăng cường hơn nữa năng lực dự báo và ứng phó chính sách của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục kiểm soát và bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết tiếp tục triển khai thành công mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng.

Thủ tướng cho biết Việt Nam thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% xuống còn 3% vào thời điểm này và cơ bản xử lý xong các ngân hàng yếu kém.

Về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo triển khai bảo đảm kiểm soát an toàn và sử dụng hiệu quả nợ công, theo đó, bảo đảm an toàn nợ công, kiểm soát nợ trong giới hạn Luật quy định, trả nợ đúng hạn, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và dành nguồn vốn này để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.