Ai Cập chưa lựa chọn được ứng cử viên ghế Chủ tịch Quốc hội

Cho đến nay, Ai Cập vẫn chưa tìm được ứng cử viên cho chiếc ghế người đứng đầu cơ quan lập pháp, do bất đồng giữa các đảng phái chính trị.
Ai Cập chưa lựa chọn được ứng cử viên ghế Chủ tịch Quốc hội ảnh 1Một phiên họp của Quốc hội cũ của Ai Cập. (Nguồn: AFP)

Chỉ còn gần một tuần nữa, Quốc hội mới được bầu của Ai Cập sẽ tiến hành kỳ họp đầu tiên kéo dài 15 ngày vào ngày 10/1 để bầu Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch của cơ quan này, nhưng đất nước Kim Tự Tháp cho đến nay vẫn chưa tìm được ứng cử viên cho chiếc ghế người đứng đầu cơ quan lập pháp, do bất đồng giữa các đảng phái chính trị.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi, mới đây tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ ứng cử viên nào trong danh sách 28 nghị sỹ vừa được Tổng thống El-Sisi chỉ định, ứng cử chức Chủ tịch Quốc hội; đồng thời đề cử thành viên của liên minh Nghị sỹ Ali Abdul Aal, 67 tuổi, giáo sư luật, nguyên Ủy viên Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp mới năm 2014, vào vị trí người đứng đầu cơ quan lập pháp mới.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội gồm 2 giai đoạn vừa được tổ chức tại 27 tỉnh trên cả nước, Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập đã giành trọn vẹn 120 ghế theo danh sách đảng phái.

Trong khi đó, đảng Tương lai Tổ quốc, đảng có số đại diện nhiều thứ hai trong Quốc hội với 52 ghế, lại thể hiện lập trường ủng hộ Nghị sỹ Seri Siam, 74 tuổi, cựu thẩm phán, một trong 28 nghị sỹ vừa được Tổng thống chỉ định hôm 31/12/2015, vào vị trí Chủ tịch Quốc hội mới.

Người thứ ba tuyên bố sẽ ra ứng cử vị trí người đứng đầu cơ quan lập pháp là ông Tawfik Okasha, một nghị sỹ độc lập đồng thời là chủ kênh truyền hình Maverick TV. Tuy nhiên, cả ông Okasha và Siam đều không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ tất cả các nghị sỹ trong Quốc hội.

Về phía đảng Những người Ai Cập Tự do, đảng có số ghế cao nhất trong Quốc hội, cho biết vẫn chưa quyết định ủng hộ nhân vật nào làm Chủ tịch Quốc hội.

Kể từ tháng 6/2012, Ai Cập không có Quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao ra lệnh giải tán cơ quan này với lý do vi phạm Hiến pháp.

Cuộc bầu cử Quốc hội gồm 2 giai đoạn, diễn ra từ tháng 10-12/2015, là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị ở đất nước Kim Tự tháp sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013, đã bầu được 596 ghế, gồm 448 ghế độc lập, 120 ghế theo danh sách đảng phái và 28 ghế do Tổng thống chỉ định.

Theo Hiến pháp năm 2014, Quốc hội Ai Cập có nhiều quyền lực, trong đó có quyền luận tội Tổng thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.