Nhà máy điện gió lớn nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi với công suất 200 MW ngày 29/11 đã khánh thành tại khu vực Gabal Al-Zeit, thuộc tỉnh Biển Đỏ.
Chi phí của dự án ước tính 270 triệu euro (khoảng 286 triệu USD), được tài trợ thông qua hai khoản vay từ ngân hàng phát triển Đức KFW, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và một khoản tài trợ từ Ủy ban châu Âu tại Ai Cập.
Kỹ sư trưởng của dự án Wael Salah cho biết với sản lượng điện hàng năm dự kiến khoảng 800 triệu kW/h, nhà máy mới sẽ giúp Ai Cập tiết kiệm khoảng 175.000 tấn dầu, vốn được sử dụng để sản xuất điện năng tại các nhà máy nhiệt điện.
Ông cho biết Ai Cập đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng lượng điện sử dụng.
Người phát ngôn Bộ Năng lượng và Điện lực Ai Cập Mohamed Al-Yamany cho biết thỏa thuận về dự án được ký kết từ 2008 và thực hiện dự án mất khoảng 30 tháng.
Theo ông Al-Yamany, việc thực hiện dự án bị chậm trễ do cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011 và tình hình bất ổn sau đó.
Ông Al-Yamany cũng cho biết hiện tại tổng công suất của toàn hệ thống lưới điện Ai Cập là khoảng 31.000 MW.
Hai tuần trước, Ai Cập đã ký một thỏa thuận với Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Dabaa với 4 lò phản ứng ở phía Tây thành phố Alexandria và gần Địa Trung Hải.
Mỗi lò phản ứng sẽ có công suất 1.200 MW và dự án dự kiến hoàn thành trong 12 năm.
Tháng Sáu vừa qua, Chính phủ Ai Cập cũng đã ký hợp đồng trị giá 8 tỷ euro (khoảng 8,5 tỷ USD) với tập đoàn công nghiệp danh tiếng Siemens của Đức để lắp đặt 3 nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên và nhiều trạm điện gió với tổng công suất 16.000 MW./.