Ai Cập, Sudan, Ethiopia nhất trí 90% các vấn đề về đập Đại Phục Hưng

Truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn phát biểu của Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cho biết Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã nhất trí tới 90% các vấn đề liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng.
Ai Cập, Sudan, Ethiopia nhất trí 90% các vấn đề về đập Đại Phục Hưng ảnh 1Công trình xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 5/12, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn phát biểu của Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cho biết Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã nhất trí tới 90% các vấn đề liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD).

Theo ông Hamdok, những vấn đề còn lại cần thảo luận thêm cũng như cần có các quyết định chính trị.

Phát biểu của Thủ tướng Hamdok được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Al-Shorouk của Ai Cập, hơn một tháng sau cuộc điện đàm giữa ông Hamdok với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 10.

[Ethiopia sẽ sản xuất điện từ đập Đại Phục Hưng vào giữa 2021]

Trong cuộc điện đàm này, ông Trump đã chỉ trích Ethiopia vì đã phá vỡ thỏa thuận GERD do Mỹ bảo trợ và nhấn mạnh rằng Ai Cập có quyền bất bình vì sự thiếu kiên định của Ethiopia.

Thủ tướng Sudan nêu rõ: “Lập trường của chúng tôi về vấn đề GERD rất rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ đối thoại để giải quyết các tranh chấp và đạt được một thỏa thuận cho phép cả ba quốc gia được hưởng lợi từ các con sông và nguồn nước như một quyền tự nhiên.”

Hồi tháng trước, Sudan quyết định không tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên về GERD, vốn được lên kế hoạch thảo luận về định hướng cho các cuộc đàm phán tiếp theo, khi tuyên bố rằng cách tổ chức các cuộc đàm phán trước đó là "không hiệu quả."

Bộ trưởng Thủy lợi Sudan Yasser Abbas ngày 2/12 nhấn mạnh rằng nước ông không thể thu được lợi ích đáng kể nào từ GERD nếu không ký kết một thỏa thuận pháp lý mang tính ràng buộc.

Ai Cập và Sudan đã nhấn mạnh rằng ba nước ký một thỏa thuận pháp lý mang tính ràng buộc về các vấn đề tranh chấp xung quanh GERD để bảo vệ lợi ích của cả ba bên, một yêu cầu liên tục bị Ethiopia né tránh trong nhiều năm qua.

Về hợp tác giữa Sudan và Ai Cập, ông Hamdok cho biết hai nước đã hợp tác trong lĩnh vực y tế, điện và cơ sở hạ tầng, khẳng định đã đi được một chặng đường dài.

Ông Hamdok cũng đề cập đến một thỏa thuận song phương nhằm thiết lập một tuyến đường sắt kết nối giữa Alexandria (Ai Cập) và Khartoum (Sudan) và một thỏa thuận về các dự án điện.

Ông Hamdok khẳng định có nhiều cơ hội hợp tác với Ai Cập trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi. Ông cho biết: "Chúng tôi cũng tìm cách tiếp thu kinh nghiệm của Ai Cập trong việc mở rộng đường xá và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như trong giáo dục, nghiên cứu khoa học và đào tạo."

Ngoài ra, cuộc phỏng vấn Thủ tướng Sudan cũng đề cập tới một số chủ đề khác, trong đó có thỏa thuận hòa bình Juba được ký kết gần đây, thỏa thuận hòa bình của Sudan với Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.