Quân đội Ai Cập muốn tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội trước khi bầu tổng thống. Nhưng một số người muốn đảo ngược thứ tự của cuộc bầu cử để đảm bảo sự ổn định lớn hơn.
Bầu cử tổng thống hoặc các cơ quan lập pháp trước tiên? Vấn đề này chia rẽ các tầng lớp chính trị ở Ai Cập. Ban đầu, lộ trình do quân đội áp đặt, sau khi lật đổ Tổng thống Morsi ngày 3/7, dự kiến các cuộc bầu cử quốc hội trước, tiếp theo là cuộc bầu cử tổng thống.
Nhưng dự thảo Hiến pháp trong phiên bản cuối cùng, được Ủy ban soạn thảo 50 người thông qua, nêu rõ: "Quá trình bầu cử phải diễn ra trong vòng sáu tháng sau khi phê chuẩn Hiến pháp," nhưng không giải thích gì thêm về lịch trình bầu cử.
Bản hiến pháp "trìu tượng" này đã dẫn đến cuộc tranh luận xung quanh lịch trình bầu cử giữa những người muốn tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên và những người muốn bám vào thời gian biểu ban đầu của lộ trình do quân đội vạch ra.
Báo Al Ahram dẫn ý kiến của ông Aboul Ezz Al- Hariri, nguyên nghị sỹ quốc hội Ai Cập, thành viên của Đảng Tập hợp cho biết: "Với những bất ổn chính trị mà đất nước đang trải qua hiện nay, sẽ tốt hơn nên bầu cử tổng thống trước các cuộc bầu cử quốc hội. Đây sẽ là một thông điệp tích cực ở nước ngoài , tuyên bố rằng thời kỳ quá độ đã được hoàn tất và Ai Cập là một quốc gia ổn định về chính trị và kinh tế.
Vị cựu nghị sỹ này tin rằng sự hiện diện của một tổng thống được bầu có thể giúp khôi phục lại sự ổn định và tạo ra bầu không khí thuận lợi cho việc tổ chức bầu cử các cơ quan lập pháp.
Ông Al- Hariri cho rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ ảnh hưởng đến các thành phần của Quốc hội mới, theo đó nếu một tổng thống xuất phát từ cuộc cách mạng ngày 30/6 vừa qua thắng cử, điều đó sẽ khuyến khích các cử tri lựa chọn một quốc hội đại diện cho cách mạng. Như vậy sẽ có sự hài hòa giữa Tổng thống và Quốc hội."
Chia sẻ về vấn đề này, Bassel Adel, cán bộ của đảng tự do Al- Dostour, nói rằng sự hiện diện của một tổng thống được bầu trước khi các cuộc bầu cử quốc hội sẽ giảm bớt sự phân cực chính trị và giảm áp lực và chỉ trích của dư luận phương Tây, vẫn xem các sự kiện của ngày 30 Tháng Sáu là một cuộc đảo chính quân sự.
Ông Bassel Adel còn nói: "Chúng ta không được quên rằng Anh em Hồi giáo và các đồng minh của họ luôn tìm cách gây mất ổn định trong các cuộc bầu cử lập pháp để phá hoại quá trình chuyển tiếp. Nếu không có một tổng thống được bầu để điều hành đất nước, căng thẳng chính trị và sắc tộc sẽ làm cho việc tổ chức nghị viện rất phức tạp và nguy hiểm."
Cùng quan điểm, Ahmad Fawzi, Tổng thư ký Đảng Dân chủ của Ai Cập, cũng cho rằng sự hiện diện của một tổng thống được bầu trước khi bầu các cơ quan lập pháp có thể làm sống lại cuộc đối thoại quốc gia và thúc đẩy một sự đồng thuận chính trị.
Trong khi đó, phía bên kia mà đại diện là những người Hồi giáo Salafis phản đối bất kỳ sự thay đổi trong lịch bầu cử vì lo ngại tổng thống mới có thể sử dụng quyền hạn của mình để thao tác pháp luật.
Shaaban Abdel- Alim, đảng Salafist Al- Nour, nói: "Bắt đầu bằng cuộc bầu cử tổng thống sẽ đặt ra câu hỏi về sự trung thực và uy tín của luật pháp. Cái gì sẽ đảm bảo rằng Tổng thống được bầu sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử?"
Để phòng ngừa các loại kịch bản gian lận hoặc gây áp lực trong quá trình bầu cử, sẽ là thích hợp hơn nên thực hiện theo thời gian biểu của lộ trình, nhất là khi Tổng thống tạm quyền, Adly Mansour, đã giành được lòng tin của đa số lực lượng chính trị trung lập, được cho là trung lập.
Gamal Salama, một nhà khoa học chính trị, đồng ý rằng cách tốt nhất là nên bắt đầu với việc bầu cử quốc hội, nhưng vì lý do khác. Ông nói: " Chúng ta không được phạm sai lầm tương tự mà hội đồng quân sự, nơi tập trung tất cả quyền hạn trong tay của họ. Cuộc bầu cử quốc hội trước khi bầu cử tổng thống sẽ có sự độc lập và có khả năng giám sát các hành động của tổng thống."
Cuộc tranh luận này tại Ai Cập vẫn còn tiếp tục, nhưng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Tổng thống lâm thời Adly Mansour. Chính ông sẽ là người phải quyết định lịch trình bầu cử sau khi xem xét dự thảo cuối cùng của Hiến pháp./.