Airbus soán ngôi Boeing dẫn đầu ngành chế tạo máy bay thế giới

Một sự hoán đổi ngôi vương giữa hai "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp hàng không đã được dự báo trước trong bối cảnh Boeing đang chật vật tìm cách thoát cuộc khủng hoảng máy bay 737 MAX.
Máy bay của Airbus bay trình diễn tại triển lãm hàng không Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ năm 2011, Airbus vượt qua đối thủ Boeing trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới sau khi hoàn tất bàn giao 863 máy bay trong năm 2019.

Một sự hoán đổi ngôi vương giữa hai "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp hàng không đã được dự báo trước trong bối cảnh Boeing đang chật vật tìm cách thoát cuộc khủng hoảng máy bay 737 MAX, dự kiến có thể kéo sang năm 2020.

Tuy nhiên, những dữ liệu mới cho thấy Airbus đã "san bằng" nhiều kỷ lục, phản ánh chặng đường dài trước mắt để Boeing giành lại "vương miện."

[Tương lai nào cho ngành hàng không thế giới và máy bay 737 MAX?]

Theo các tổ chức nghiên cứu ngành công nghiệp sản xuất máy bay, kết quả bàn giao kể trên được cho là vượt dự báo.

Trước đó, hồi tháng 10 năm ngoái, hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu này đã buộc phải giảm 2-3% mục tiêu bàn giao máy bay trong năm do gặp nhiều vấn đề trong khâu sản xuất.

Tuy nhiên, Airbus đã nỗ lực huy động nguồn nhân lực tối đa tới tận những ngày cuối cùng của năm 2019 và hoàn tất bàn giao 863 máy bay trong năm, vượt qua mục tiêu bàn giao 860 máy bay đề ra trước đó.

Với kết quả này, số máy bay mà Airbus bàn giao trong năm 2019 đã tăng 7,9% so với mức 800 máy bay của năm 2018.

Để có được kết quả "phá kỷ lục" kể trên, Airbus đã luân chuyển hàng nghìn công nhân và làm việc xuyên kỳ nghỉ cuối năm để hoàn thiện các máy bay đang chờ được lắp cabin khi mà trong năm 2019, các kế hoạch bàn giao những đơn hàng Airbus A321neo và một số mẫu khác đã bị trì hoãn do thiếu nhân lực và chậm trễ trong khâu sản xuất.

Thông thường, các nhà máy của Airbus tạm dừng hoạt động trong dịp Giáng sinh và Năm mới. Nhưng kỳ nghỉ năm nay, các trung tâm giao hàng và cơ sở hoàn thiện của Airbus đã làm việc cho tới tận chiều ngày cuối năm để kịp bàn giao máy bay cho các hãng hàng không châu Á và nhiều đối tác khác.

Giới phân tích nhận định việc phát sinh những công việc kể trên có thể làm gia tăng chi phí và có tác động nhất định đến tỷ suất lợi nhuận của Airbus.

Tuy nhiên, số lượng máy bay bàn giao kỷ lục và lợi nhuận bền vững từ các loại máy bay đơn cánh của Airbus có thể sẽ xoa dịu những tác động này.

Nhưng vẫn phải thừa nhận sự chậm trễ kể trên đã hạn chế khá nhiều khả năng tận dụng cơ hội của Airbus trong bối cảnh các mẫu máy bay 737 MAX bán chạy nhất của đối thủ Boeing "sa lầy" sau hai vụ tai nạn thảm khốc kể từ tháng 3.

Airbus từ chối bình luận về các thống kê này bởi hãng chỉ được công bố kết quả kinh doanh sau khi các số liệu được kiểm toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục