Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi ngày 4/6 đã bác bỏ tất cả những đề xuất liên quan tới việc sửa đổi lại sáng kiến hòa bình Arab đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Beirut năm 2002.
Trong một tuyên bố tại trụ sở của AL ở Cairo, ông al-Arabi cho rằng Israel đang lôi kéo một số nước tìm cách thay đổi sáng kiến của thế giới Arab nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine cũng như mang lại hòa bình công bằng lâu dài và toàn diện trong khu vực.
Sáng kiến này kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967, bao gồm khu vực Đông Jerusalem, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với các nước Arab.
Người đứng đầu AL cho biết mục đích của hội nghị hòa bình quốc tế do Pháp đề xuất tổ chức tại Paris là vạch ra "một kế hoạch hành động mang tính quyết định" và "một thời gian biểu rõ ràng" để giám sát các bên thực thi thỏa thuận đã được ký kết, chứ không phải là giải quyết xung đột thông qua việc tạo ra thêm "một vòng đàm phán vô ích khác."
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ mong muốn nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng đề nghị sửa đổi những sáng kiến hòa bình Arab.
Phát biểu với các phương tiện truyền thông Israel, ông Netanyahu cho rằng sáng kiến hòa bình Arab có một số yếu tố rất tích cực cho phép các cuộc đối thoại nghiêm túc với tất cả các nước láng giềng trong khu vực.
Israel "sẵn sàng đàm phán với các nước Arab nhằm sửa đổi sáng kiến này vì thực tế đã có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ trong khu vực kể từ năm 2002, tuy nhiên vẫn duy trì mục tiêu thống nhất là hai quốc gia và hai dân tộc."
Các nước đưa ra đề xuất cho sáng kiến hòa bình Arab là Saudi Arabia và Ai Cập đã bác bỏ đề xuất trên của ông Netanyahu.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị quốc tế về hòa bình Israel và Palestine ở Paris ngày 3/6, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết của mình nhằm biến nhà nước Palestine trở thành một "thực thể có thực" và người Palestine và Israel "cùng chung sống hòa bình." Đây chính là con đường giúp duy trì sự ổn định ở khu vực Trung Đông./.