AmCham cam kết là cầu nối giúp doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam

AmCham cam kết, tiếp tục là cầu nối giữa của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với Chính phủ để giúp tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định tại Việt Nam.
AmCham cam kết là cầu nối giúp doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam ảnh 1AmCham tổ chức sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập và 25 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ ngày 8/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 8/11, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) đã tổ chức sự kiện Kỷ niệm 25 năm thành lập và 25 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ nhân dịp Bộ trưởng Thương mại Wilbur L Ross, Jr. cùng đoàn 17 doanh nghiệp đến thăm đất nước Việt Nam.

Nói về 25 năm qua, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham khẳng định, người dân của cả hai quốc gia tin tưởng Mỹ và Việt Nam đã vượt qua quá khứ để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay.

[Quan hệ kinh tế và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ]

Tuy nhiên, ông Sitkoff chia sẻ “vẫn còn nhiều công việc phải làm và AmCham sẽ tiếp tục là cầu nối giữa của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với chính phủ để giúp tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định tại Việt Nam.”

Là một doanh nhân Mỹ kinh doanh tại Việt Nam, ông David Stone đồng thời là thành viên ban lãnh đạo của AmCham đến từ công ty AES Vietnam cho rằng, thương mại và đầu tư là nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Việt.

"Thỏa thuận năng lượng mà AES vừa ký trong chuyến làm việc này là trường hợp gần nhất cho thấy sự hoạt động kinh tế của các công ty Mỹ ở đây, bao gồm nhiều nỗ lực giúp Việt Nam trở nên hiện đại hóa hơn, năng suất hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và trong lành hơn," ông David Stone nói.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ trưởng Ross đã chúc mừng những học viên tham gia khóa học phát triển khả năng lãnh đạo – một chương trình mới của AmCham, nơi mang đến cơ hội học tập và kết nối cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam và là một phần trong cam kết không ngừng của AmCham nhằm tạo ra giá trị kinh tế và xã hội lâu dài cho đất nước và người dân Việt Nam.

AmCham cam kết là cầu nối giúp doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam ảnh 2Các doanh nghiệp Mỹ tin tưởng thương mại và đầu tư là nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Việt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông cho biết, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Mỹ có ý nghĩa đặc biệt và tin tưởng về sự hợp tác thành công từ các hợp đồng thương mại vừa ký kết giữa các doanh nghiệp của hai quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng và y tế, hàng không... cũng như các cơ hội hợp tác mới trong tương lai.

Theo Báo cáo từ Bộ Công Thương Việt Nam, vào năm 1994 (thời điểm Mỹ chính thức xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước chỉ dừng ở 220 triệu USD song đến năm 2001 (trước thời điểm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ có hiệu lực) đạt 1,4 tỷ USD.

Thời điểm cuối năm 2018, thương mại hai nước trên  58,8 tỷ USD và nửa chặng đường của năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã lên đến 35,4 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam giành vị trí thứ 9 trong các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.