AMRO dự báo kinh tế Malaysia tăng trưởng 6% trong năm 2022

Kinh tế Malaysia được dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay với động lực đến từ sự phục hồi bền vững của nhu cầu trong nước, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế và xã hội tiếp tục phục hồi.
AMRO dự báo kinh tế Malaysia tăng trưởng 6% trong năm 2022 ảnh 1Một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur (Malaysia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO), kinh tế Malaysia sẽ tăng tốc trong năm 2022 và lấy lại động lực tăng trưởng sau giai đoạn bị gián đoạn trong quý 3 năm 2021 do làn sóng lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố ngày 25/2 của AMRO cho biết Malaysia hiện đang chứng kiến đợt bùng phát trở lại dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên làn sóng này ít nghiêm trọng hơn, chủ yếu nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao với gần 80% dân số đã hoàn thành tiêm vaccine liều cơ bản.

Tổ chức nghiên cứu này nhận định chương trình tiêm chủng đang tiếp tục được triển khai cùng năng lực chăm sóc sức khỏe đầy đủ sẽ giữ cho kinh tế Malaysia tương đối mở cửa, cho phép nhu cầu trong nước phục hồi bền vững. Từ đó, AMRO khuyến cáo chính phủ Malaysia cần điều chỉnh các chính sách nhằm hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

Tiến sỹ Sumio Ishikawa, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của AMRO dự đoán kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022, so với 3,1% trong năm 2021, với động lực đến từ sự phục hồi bền vững của nhu cầu trong nước trong bối cảnh các hoạt động kinh tế và xã hội tiếp tục phục hồi bất chấp đợt bùng phát do biến thể Omicron gây ra.

[ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2021]

Theo ông, xuất khẩu của Malaysia tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu tăng cao cũng như năng lực sản xuất tăng lên.

Về các yếu tố rủi ro, AMRO chỉ ra nguy cơ đối với sự phục hồi của kinh tế Malaysia là việc xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 độc lực mạnh hơn có thể kháng vaccine và lạm phát cao.

Theo các chuyên gia AMRO, lạm phát toàn cầu tăng cao cũng có nguy cơ khiến nhu cầu bên ngoài gián đoạn mạnh khi các nền kinh tế phát triển theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ tích cực hơn, dẫn đến tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, chi phí đi vay cao hơn có thể kìm hãm đà phục hồi của nhu cầu trong nước do các hộ gia đình và doanh nghiệp ưu tiên trả nợ hơn chi tiêu và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.