Ngày 26/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ Tài chính Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC-Ngân hàng Trung ương) và Văn phòng Nghiên cứu kinh vế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã cùng tổ chức Diễn đàn cấp cao “Kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc: Tiến bộ, triển vọng và tác động đối với khu vực châu Á” và công bố nghiên cứu về “Cải cách và mở cửa của Trung Quốc: Kinh nghiệm, triển vọng và tác động đối với ASEAN.”
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Khôn cho rằng chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc năm 1978 hiện vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng tới khu vực Đông Á, Đông Nam Á và nền kinh tế toàn cầu.
Cấu trúc kinh tế và chính sách quản lý vĩ mô của Trung Quốc đang trải qua những thay đổi to lớn, tạo ra tăng trưởng nhảy vọt, thúc đẩy tăng mạnh năng lực sản xuất và trình độ phát triển kinh tế cũng như cải rõ rệt đời sống của nhân dân.
[Trung Quốc khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN]
Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã từ 150 USD tăng lên 8.800 USD (năm 2017) và trong 5 năm tới sẽ tăng lên mức 12.000 USD. Tỷ lệ người nghèo từ 97,5% đã giảm xuống mức 3,1% trong năm 2017.
Thương mại trong năm 2017 của Trung Quốc đã chiếm tới 11,9% thương mại toàn cầu, tăng 4,1% so với năm 2001...
Tại diễn đàn, AMRO cũng đã công bố nghiên cứu về “Cải cách và mở cửa của Trung Quốc: Kinh nghiệm, triển vọng và tác động đối với ASEAN.”
AMRO cho rằng với những nỗ lực mạnh mẽ và kiên trì trong cải cách và mở cửa suốt 40 năm qua (1978-2018), Trung Quốc đã tự nâng mình từ một nước có thu nhập thấp lên quốc gia có thu nhập trung bình, và sẵn sàng hướng tới mức thu nhập cao trong những năm tới.
Sự phát triển này đã tạo ra lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN thông qua việc tăng cường thương mại, đầu tư và du lịch xuyên biên giới.
Theo số liệu của AMRO, hầu hết lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước ASEAN trong năm 2017 đều tăng mạnh, đặc biệt là Việt Nam (chiếm 22,5% Tổng sản phẩm quốc nội - GDP), Malaysia (17,3%), Thái Lan (9,1%), Singapore (10,6%) và Lào (9,4%).
Ngược lại, hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang ASEAN đã tăng lên chiếm 2,3% GDP, so với 2,1% của năm 2009.
Tại các phiên thảo luận, các quan chức kinh tế, tài chính và học giả đã tiến hành thảo luận sôi nổi và đều khẳng định rằng Trung Quốc đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho ASEAN, trong khi ASEAN cũng trở thành đối tác chiến lược và thị trường quan trọng đối với Trung Quốc.
Đối với cả Trung Quốc và ASEAN, sự hợp tác được tăng cường dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu, thế mạnh, năng lực và ưu tiên của nhau sẽ giúp thúc đẩy hội nhập khu vực và tăng cường các lợi ích chung./.