Tại Hội nghị ngoại trưởng Ấn Độ-ASEAN lần thứ 12 mới diễn ra ở Nay Pyi Taw của Myanma, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã bày tỏ mong muốn sẽ ký Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Ấn Độ về dịch vụ và đầu tư tại hội nghị bộ trưởng kinh tế và thương mại vào cuối tháng này.
Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Ấn Độ-ASEAN tăng 4,6%, từ hơn 68 tỷ USD năm 2011 lên gần 72 tỷ USD năm 2012 và hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015.
“Câu chuyện” hợp tác
Chính sách tự do hóa kinh tế năm 1991 của Ấn Độ đã thiết lập khuôn mẫu để đẩy mạnh quan hệ thương mại Ấn Độ-ASEAN. Hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện hồi tháng 10/2003, tiếp đó việc ký Hiệp định thương mại về hàng hóa (TIG) tháng 8/2009 đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế song phương cũng như đa phương. TIG có hiệu lực năm 2010 và sau đó, hai bên đã kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) về dịch vụ, đầu tư và sẽ tiến tới chính thức ký hiệp định này.
ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự hợp tác Ấn Độ-ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, nhằm bảo đảm mục tiêu dài hạn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đặc biệt với việc ứng dụng những công nghệ thích hợp.
Trong Đối thoại ASEAN-Ấn Độ lần thứ sáu diễn ra hồi tháng 3/2014, tại New Delhi (Ấn Độ), Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma nhấn mạnh, Ấn Độ và ASEAN ngày nay đang trong vòng xoáy thay đổi do những xu hướng kinh tế và chiến lược mới tại châu Á-Thái Bình Dương.
Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, được khởi xướng từ năm 1991, đã thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ASEAN và mối quan hệ này đã mang lại những kết quả tốt trong lĩnh vực kinh tế.
Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid cũng khẳng định trong sáu năm qua, Đối thoại ASEAN-Ấn Độ đã thúc đẩy nỗ lực của Ấn Độ và ASEAN hướng tới một cuộc đối thoại mở rộng, toàn diện và liên tục. Hai bên sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ trong các năm 2010-2015, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, không gian, khoa học công nghệ và nông nghiệp. An ninh lương thực và năng lượng nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ và ASEAN. Ngoại trưởng Khurshid cho rằng kinh tế là nền móng của quan hệ Đối tác chiến lược.
Yếu tố biển trong quan hệ hợp tác
Biển Đông là điểm giao thoa hàng hải quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nối Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca ở phía Đông Bắc. Vì lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ tại khu vực này, bất cứ cuộc xung đột nào tại Biển Đông đều đe dọa an ninh cũng như tự do hàng hải trong khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh những thách thức nổi lên trong khu vực, Ấn Độ đang tăng cường sự can dự mạnh mẽ với các nước ASEAN. New Delhi nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á. Sự thịnh vượng của Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào thương mại hàng hải vì các tuyến đường bộ từ tiểu lục địa Ấn Độ ít thuận lợi cho thương mại. Do đó, bảo vệ các tuyến đường biển là điều tối cần thiết đối với sự phát triển của Ấn Độ. Một tuyến hàng hải an ninh và an toàn có tầm quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp, phát triển thương mại và cấu trúc chính trị ổn định của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Biển Đông là một trong những biển giàu nhất thế giới về hệ động-thực vật. Hằng năm lượng cá đánh bắt tại Biển Đông chiếm tới gần 10% lượng cá đánh bắt toàn cầu, giúp ngành ngư nghiệp của các nước trong khu vực phát triển. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng (đóng hộp, đông lạnh, chế biến,…) đã mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ giá trị và cơ hội việc làm cho các nước trong vùng.
Biển Đông được đánh giá là một vùng biển giàu dầu mỏ và khí tự nhiên. Tuy nhiên, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng rất khó ước tính chính xác trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên tại khu vực này do thiếu hoạt động thăm dò và vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam
Trong bài trả lời phỏng vấn Tổng Biên tập báo điện tử India Writes Network Manish Chan mới đây về quan hệ Ấn-Việt, cũng như vai trò của Ấn Độ trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cho biết cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp.
Về quan hệ kinh tế, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cho biết kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đã lên tới hơn 6 tỷ USD so với mức trên 3 tỷ USD của năm 2010 và dự kiến hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào cuối năm 2015.
Trong những năm gần đây quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Sơn Hà, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, quốc gia Nam Á này là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN.
Hiện nay, Ấn Độ và Việt Nam đang quyết tâm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương bằng nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường các hoạt động hợp tác pháp lý làm cơ sở triển khai nhiều hoạt động thương mại, đầu tư.
Theo ông Nguyễn Sơn Hà, để khai thác các lợi thế và phát huy các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, Việt Nam và Ấn Độ cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ; thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm, các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ tại mỗi nước, để xúc tiến quảng bá các mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp của mỗi nước; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đầu tư vào mỗi nước.
Dự kiến, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 25-26/8. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cũng sẽ sớm thăm Việt Nam. Một tin tốt nữa là từ ngày 5/11/2014, hãng Jet Airways của Ấn Độ sẽ bắt đầu mở đường bay trực tiếp New Delhi-Thành phố Hồ Chí Minh và quá cảnh tại Bangkok chỉ một giờ. Với đường bay trực tiếp, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực du lịch sẽ được mở rộng.
Với đà tăng trưởng hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ có cơ sở tin tưởng rằng mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào cuối năm 2020 hoàn toàn có thể thực hiện được./.