Ấn Độ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tài khóa 2020

Số liệu thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho biết trong tài khóa vừa qua, nước này xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 16,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 65,26 tỷ USD.
Một cửa hàng bán đồ chơi Trung Quốc ở Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Một cửa hàng bán đồ chơi Trung Quốc ở Kolkata, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã giảm xuống còn 48,66 tỷ USD trong tài khóa 2019-2020 do nước láng giềng cắt giảm lượng nhập khẩu.

Số liệu thống kê của Chính phủ Ấn Độ cho biết trong tài khóa vừa qua, nước này xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 16,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 65,26 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại giữa hai nước trong tài khóa 2018-2019 ở mức 53,56 tỷ USD và 63 tỷ USD trong tài khóa trước đó.

[Mỹ vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ]

New Delhi đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Chính phủ Ấn Độ hiện đang thực hiện các biện pháp như áp dụng quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm để giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng áp đặt thuế chống bán phá giá đối với một số hàng hóa tại thị trường nội địa được bán thấp hơn mức giá trung bình ở Trung Quốc, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước hàng nhập khẩu giá rẻ.

Trung Quốc chiếm khoảng 14% hàng nhập khẩu của Ấn Độ và là nhà cung cấp chính cho các lĩnh vực như điện thoại di động, viễn thông, điện lực, đồ chơi nhựa và các thành phần dược phẩm quan trọng.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Ấn Độ cũng đã giảm từ 229 triệu USD trong tài khóa trước xuống còn 163,78 triệu USD trong tài khóa 2019-2020.

Từ tháng 4/2000 đến tháng 3/2020, New Delhi đã thu hút tổng vốn FDI trị giá 2,38 tỷ USD từ Trung Quốc.

Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã siết chặt các quy định về FDI đến từ các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với nước này, trong động thái được đánh giá chủ yếu nhằm vào Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.