Ấn Độ muốn trở thành đối tác dệt may tiềm năng với Việt Nam

Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam lần này với mục tiêu giới thiệu nguồn hàng phong phú, đa dạng chủng loại để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Ấn Độ muốn trở thành đối tác dệt may tiềm năng với Việt Nam ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: thehindu.com)

Ngày 8/8, tại “Chương trình giao thương Dệt may Việt Nam-Ấn Độ” do Văn phòng Cục xúc tiến Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt bông Ấn Độ (TEXPROCL) tổ chức, các doanh nghiệp Ấn Độ chia sẻ tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Ấn Độ hoạt trong ngành dệt may vẫn chưa đạt được nhiều thành công như kỳ vọng ở thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp Ấn Độ kỳ vọng trở thành đối tác tiềm năng và bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam theo hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi trên cơ sở giảm thiểu chi phí đầu vào cho sản xuất.

Ông Manikam Ramaswami, Chủ tịch TEXPROCL, cho biết thị phần mặt hàng dệt cotton mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ tăng từ 1,34% (năm 2012) lên 1,6% (năm 2013); sợi cotton tăng từ 13% lên 16,5% và tỷ lệ này chưa được cải thiện trong nửa đầu năm 2014.

Việt Nam đang có nhu cầu về nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng với giá cả phù hợp cho ngành dệt may, trong khi đó Ấn Độ là nhà sản xuất, cung ứng các mặt hàng này cạnh tranh nhất thế giới.

Thực tế cho thấy một trong những ngành phát triển vượt bậc và dẫn đầu về xuất nhập khẩu tại Việt Nam là ngành dệt may với năng suất ngày càng được cải thiện, chất lượng được nâng cao nên thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác trên thế giới.

Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam còn không ngừng tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mang lại cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam lần này với mục tiêu giới thiệu nguồn hàng phong phú, đa dạng chủng loại để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Hiện nay Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho hoạt động thương mại, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, cho biết riêng với Ấn Độ, Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định thương mại, Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, thủ tục hành chính, hệ thống giao dịch thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến đầu tư ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, điển hình Chương trình giao thương lần này không nằm ngoài mục tiêu tạo cầu nối gặp gỡ, trao đổi trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam và Ấn Độ, nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, rào cản kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.