Tờ The Economic Times trích nguồn tin dữ liệu được đưa ra trước Quốc hội cho biết, Ấn Độ đã nhập khẩu 34.190 tấn phân bón, bao gồm ure và DAP từ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 2/2023 của tài khóa hiện tại (kết thúc vào ngày 31/3).
Đây là mức nhập khẩu cao nhất trong ba năm qua. Hoạt động nhập khẩu phân bón của Ấn Độ từ Nga đã tăng bất chấp xung đột Nga-Ukraine.
Trong văn bản trả lời Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Phân bón Bhagwanth Khuba cho biết nhập khẩu ure từ đầu năm tài chính hiện tại tính đến tháng Hai cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ tài khóa trước.
Trong tổng số 34.190 tấn phân bón nhập khẩu, khoảng 6.260 tấn là ure, tăng mạnh so với con số 2.800 tấn nhập khẩu trong cả năm tài chính trước đó.
Ngoài ure, Di-Ammonium Phosphate (DAP), Muriate of Potash (MoP) và NPK là những loại phân bón khác được Ấn Độ nhập khẩu từ Nga.
[Ấn Độ sử dụng SWIFT để mua than và dầu giảm giá của Nga]
Số liệu cho thấy Ấn Độ nhập khẩu DAP ở mức 7.650 tấn, MoP ở mức 430 tấn và NPK ở mức 19.850 tấn trong khoảng thời gian báo cáo.
Tổng lượng phân bón Ấn Độ nhập khẩu từ Nga ở mức 19.150 tấn trong năm tài chính 2021-2022, tương đương mức của năm tài chính 2020-2021 và tăng so với 11.910 tấn trong năm tài chính 2019-2020.
Ure và DAP là hai loại phân bón được tiêu thụ nhiều nhất. Bộ trưởng cho biết, chính phủ đã thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy sản xuất ure trong nước. Sáu nhà máy sản xuất ure mới đã được thành lập theo Chính sách đầu tư mới.
Trong một câu trả lời riêng, ông cho biết lượng phân bón sẵn có ở nước này vẫn đủ đáp ứng nhu cầu trong niên vụ 2022-2023.
Khoảng cách giữa nhu cầu và sản xuất ure và phân bón khác được đáp ứng thông qua nhập khẩu. Việc nhập khẩu thường được lên kế hoạch trước để đảm bảo có sẵn kịp thời.
Bộ trưởng cho biết chính quyền các bang thường xuyên được khuyến nghị phối hợp với các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón để hợp lý hóa nguồn cung cấp thông qua việc bố trí kịp thời.
Ông cho biết thêm, hướng vận chuyển tất cả các loại phân bón chính được chính phủ trợ giá đều có thể được tra cứu trên toàn quốc thông qua một hệ thống giám sát dựa trực tuyến: Hệ thống giám sát phân bón tích hợp (iFMS)./.