Ấn Độ quan ngại G20 chệch ưu tiên giải quyết nạn đói nghèo

Điều phối viên của Ấn Độ nhấn mạnh 200 triệu người trên thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ, song cuộc xung đột ở Ukraine khiến thế giới bế tắc trong giải quyết tình trạng nghèo đói, nợ toàn cầu.
Ấn Độ quan ngại G20 chệch ưu tiên giải quyết nạn đói nghèo ảnh 1Trẻ em xếp hàng nhận bữa ăn do Chương trình Lương thực Thế giới tài trợ tại Harare, Zimbabwe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 15/3, điều phối viên hàng đầu của Ấn Độ tại các sự kiện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông Amitabh Kant, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến thế giới bế tắc vào thời điểm cần phải có hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng nghèo đói đang gia tăng trên toàn cầu.

Quan chức New Delhi đưa ra bình luận trên sau khi cuộc xung đột ở Ukraine đã phủ bóng lên hai cuộc họp cấp bộ trưởng liên tiếp của G20 trong 3 tuần qua tại Ấn Độ.

Phát biểu trước báo giới, ông Kant nhấn mạnh: "Châu Âu không thể khiến tăng trưởng, nghèo đói, nợ toàn cầu, tất cả các vấn đề phát triển bị đình trệ trên toàn thế giới. Đặc biệt khi khu vực Nam Bán cầu đang khốn khó, 75 quốc gia đang gánh nợ toàn cầu, 30% thế giới đang suy thoái, 200 triệu người đã sống dưới mức nghèo khổ."

[WB: Khó đạt mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030]

Theo ông, vấn đề "dinh dưỡng bị ảnh hưởng dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng, kết quả học tập bị ảnh hưởng, mọi người trở nên còi cọc, gầy gò trong khi chúng ta chỉ quan tâm tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Thế giới cần tiến lên và châu Âu cần tìm ra giải pháp cho những thách thức của mình."

Mới đây, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, khi có khoảng 60 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vào cuối năm nay.

Theo WFP, kể từ đầu đại dịch COVID-19, số người đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực hoặc đối mặt với nạn đói đã tăng từ 135 triệu người tại 53 quốc gia lên 345 triệu người tại 82 quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.