Ấn Độ, Việt Nam đứng trước những cơ hội khi chuỗi cung ứng dịch chuyển

Theo báo cáo quý 2 của công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là các nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc.
Ấn Độ, Việt Nam đứng trước những cơ hội khi chuỗi cung ứng dịch chuyển ảnh 1Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tờ The Economic Times đưa tin cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu truyền thống khởi nguồn từ Trung Quốc.

Sự gián đoạn của thương mại quốc tế đã đòi hỏi phải có những điều chỉnh về chuỗi cung ứng.

Trước đó, các chuỗi cung ứng được thiết lập nhằm hướng tới chi phí thấp. Sau những tác động của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng đang được điều chỉnh lại để giảm nguy cơ gián đoạn trong tương lai.

[Đón đợi làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI vào các khu công nghiệp]

Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới và có hai thách thức là khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương do đại dịch COVID-19 và đảm bảo rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ không làm tăng tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng.

Việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang đưa đến cơ hội cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Cộng đồng quốc tế đang tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước khác.

Lượng sản xuất tại ba tỉnh xuất khẩu lớn nhất ở Trung Quốc tăng 11-14%/năm trong suốt hai thập kỷ qua.

Đại dịch là một lời cảnh tỉnh cho các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Đa dạng hóa nhà cung cấp là một cách để tăng cường khả năng phục hồi, có nghĩa là ít nhất một số dây chuyền sản xuất có thể phải chuyển vĩnh viễn đi nơi khác.

Nhưng các khía cạnh thực tế của việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc rất phức tạp.

Theo báo cáo quý 2 của công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là các nguồn cung ứng thay thế.

Các cải cách của Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản cũng như cổ phần đa số trong các công ty Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế ổn định đã khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.

Khảo sát về nguồn cung ứng toàn cầu của QIMA cho thấy 43% số người được hỏi tại Mỹ mô tả Việt Nam nằm trong số ba khu vực địa lý mua hàng hàng đầu vào đầu năm 2021 và khoảng 1/3 số người mua trên toàn cầu.

Báo cáo của QIMA cũng cho thấy, nhu cầu tìm nguồn cung ứng từ Ấn Độ đang tăng lên, nhưng thách thức vẫn còn là làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nhất có thể làm chậm quá trình mua sắm từ nước này.

Ấn Độ là thị trường được đánh giá cao đối với các sản phẩm khuyến mại, giày dép, kính mắt, đồ trang sức và phụ kiện. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào cách Ấn Độ kiểm soát đại dịch.

Chính phủ Ấn Độ gần đây đã cho phép tối đa 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng, với trọng tâm là tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trong tổng số vốn FDI.

Ngoài ra, nước này dự kiến chi khoảng 1,85 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng tại các cảng thiết yếu trong nước.

Chính phủ Ấn Độ đã tiếp tục cho phép tới 100% FDI vào các dự án liên quan đến cảng và đang ưu đãi thuế 10 năm đối với việc xây dựng và bảo trì các cảng và bến cảng, nhằm tăng cường đầu tư.

Ấn Độ có kinh nghiệm trở thành một phần trung tâm trong chuỗi cung ứng của Mỹ vì lĩnh vực công nghệ thông tin của nước này.

Mỹ đang lên kế hoạch tạo ra một "mạng lưới thịnh vượng kinh tế" với các quốc gia thân thiện, hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn tương tự về tất cả, từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng đến cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.