An Giang: Sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia

Theo Trung tâm văn hóa An Giang, đến nay, các đoàn đờn ca tài tử của tỉnh đã hoàn tất chương trình sẵn sàng dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia tại Bạc Liêu.
An Giang: Sẵn sàng cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia ảnh 1Một chương trình biểu diễn đờn ca tài tử tại TP.HCM. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo Trung tâm văn hóa tỉnh An Giang, đến nay, các đoàn đờn ca tài tử của tỉnh An Giang đã hoàn tất các chương trình, tiết mục sẵn sàng tham gia Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 tại tỉnh Bạc Liêu sắp tới.

Tham dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014 tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn An Giang có 12 thành viên; trong đó có 4 nhạc công và 6 diễn viên ca, với chủ đề “Lời tự tình quê hương” thể hiện bằng 6 tiết mục: hòa tấu điệu xàng xê, song ca điệu nam đảo 20 câu bài "Ai là tri kỷ tri ân;" hòa ca điệu vọng cổ bài "Người là Hồ Chí Minh;" độc tấu đờn cò điệu nam xuân; đơn ca phụng hoàng 10 câu bài "Tre quê hương" và ca ra bộ điệu xuân tình bài "Nhành mai thắm."

Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh An Giang cho biết, so với Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ mà tỉnh tham dự trong thời gian qua, nét mới năm nay của An Giang là không tập trung vào một câu lạc bộ mà tuyển chọn rất kỹ những nghệ nhân đờn, ca tốt về kỹ thuật, chất giọng, am hiểu về đờn ca tài tử, từ các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong tỉnh. Đặc biệt có 2 tài tử ca trẻ là học sinh lớp 7 và lớp 8 trường Trung học cơ sở thị xã Tân Châu và huyện Chợ Mới.

Ngoài ra, An Giang còn tham gia Không gian đờn ca tài tử, dàn dựng sân khấu có sàn diễn giao lưu; trưng bày 15 hình ảnh sinh hoạt đờn ca tài tử và 12 loại nhạc cụ đờn ca tài tử; biểu diễn 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer là nét đặc trưng đại diện cho tỉnh An Giang. Qua đó để giới thiệu cho cả nước và quốc tế hiểu về vai trò của đờn ca tài tử trong đời sống tinh thần của nhân dân, không chỉ có người Kinh mà còn có đồng bào các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer cũng hưởng ứng tham gia phong trào đờn ca tài tử.

Nỗ lực tập trung chuẩn bị chu đáo và quyết tâm của từng thành viên đoàn An Giang, hứa hẹn gặt hái thành công cao nhất, góp phần thành công chung cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất năm 2014, diễn ra từ ngày 24 đến 29/4 tới, tại tỉnh Bạc Liêu.

Phong trào đờn ca tài tử ở An Giang phát triển mạnh, rộng khắp ở từng xã, phường, khóm, ấp trong tỉnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, phong trào đờn ca tài tử ở tỉnh đã hình thành từ rất lâu đời.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 230 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử với trên 2.600 người tham gia. Ngoài còn rất nhiều điểm sinh hoạt đờn ca tài tử tự phát, không thường xuyên cũng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, ở mọi lứa tuổi tham gia như nông dân, sinh viên, học sinh, giáo viên, công nhân viên chức…. Tùy theo các thành viên trong câu lạc bộ, đội nhóm tổ chức hoạt động theo từng nhu cầu, sở thích, như tập trung đờn ca vào mỗi buổi sáng, buổi trưa, hàng đêm hay trong dịp lễ, tết hoặc trong các đám tiệc tại hộ gia đình….

Sinh hoạt đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân An Giang cũng như người dân các tỉnh vùng Nam Bộ, nhất là hiện nay đờn ca tài tử đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nên những người yêu thích đờn ca tài tử sẽ còn tự hào phát triển rộng rãi ra cộng đồng cùng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.