An Giang sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp 'găm hàng' trục lợi từ xăng dầu

Theo khảo sát của phóng viên, trong tổng số 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động vì hết xăng có tới 17 hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của Tổng Công ty Dầu Việt Nam-Pvoil.
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) thông báo hết xăng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) thông báo hết xăng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động vì hết hàng, nguồn cung khan hiếm. Điều này đã gây ra nhiều bức xúc cho dư luận và khó khăn trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Hàng loạt cây xăng đóng cửa

Chiều 9/2, ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, tính đến chiều nay, các lực lượng Quản lý thị trường An Giang đã đồng loạt ra quân kiểm tra 153/489 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cho thấy, có nhiều cửa hàng xăng dầu trong tình trạng treo bảng hết xăng; xin nghỉ bán vì không có lãi; cửa hàng đang hoạt động nhưng hết xăng chờ giao hàng, doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh...

Cụ thể, trên địa bàn toàn tỉnh có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động; trong đó huyện Thoại Sơn có 7 cửa hàng, huyện Phú Tân có 5 cửa hàng, huyện Châu Thành 5 cửa hàng, huyện Châu Phú 1 cửa hàng và huyện An Phú có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng hoạt động. Lý do, các cửa hàng đưa ra gồm hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ bán.

Các địa bàn còn lại gồm thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường.

Theo khảo sát của phóng viên, trong tổng số 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động vì hết xăng để bán có tới 17 hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của Tổng Công ty Dầu Việt Nam-Pvoil.

Tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của Tổng Công ty Dầu Việt Nam-Pv Oil đều có cùng nguyên nhân là cửa hàng hết xăng, nguồn cung cấp từ các tổng đại lý không được cung cấp kịp thời.

An Giang sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp 'găm hàng' trục lợi từ xăng dầu ảnh 1Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Kim Tiên (huyện Thoại Sơn) không đảm bảo thời gian hán hàng như thông báo vì không có nhân viên bán hàng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Đơn cử như 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thanh Long 2, Bảy Mẫn, Út Tuyết, Nguyễn Văn Đến, cửa hàng xăng dầu số 20 Út Rô (tất cả thuộc hệ thống Pv Oil) tại huyện Châu Thành tạm ngưng hoạt động cùng lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời. Phía Tổng Công ty Dầu Việt Nam-PVoil có gửi thông báo cho đại lý với nội dung như sau: “Kính gửi quý khách hàng! Do tàu xăng dầu không về kịp, Kho An Giang ngừng cung cấp xăng A95 cho đến khi có thông báo mới, dầu Do và E5 vẫn cung cấp bình thường.”

[Kiểm tra, kiểm soát đảm bảo cung ứng xăng dầu ra thị trường]

Tương tự, 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện biên giới An Phú gồm Kim Lợi, Hồng Lợi, Hai Khanh, Cáo Hóa (thuộc hệ thống Công ty Trương Phát Thịnh - Đại lý của Tổng Công ty Dầu Việt Nam Pv Oil) cũng tạm ngưng hoạt đồng vì hết xăng...

Cũng với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời, 7 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Thoại Sơn (thuộc hệ thống của Tổng Công ty Dầu Việt Nam-Pv Oil) buộc phải thông báo tạm nghỉ vì không còn xăng để bán.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo Cục Quản lý thị trường An Giang, toàn địa bàn tỉnh An Giang có 10 doanh nghiệp đầu mối, 16 tổng đại lý, 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Những ngày qua, toàn tỉnh có khoảng 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa vì nguồn cung từ các tổng đại lý, doanh nghiệp đầu mối hạn chế, không đủ cung cấp cho các cửa hàng. Một số khác mở cửa hoạt động nhưng chỉ bán xăng E5 và dầu. Bởi nguồn cung xăng A95 và A92 rất hạn chế. Nếu có thì giá cung cấp cho đại lý cũng gần ngang với giá bán lẻ cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thùa, doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Phụng, ở Thoại Sơn (An Giang) chia sẻ, xăng A95 khan hiếm không có hàng để nhập; hiện cửa hàng chỉ bán xăng E5 và dầu hỏa.

Theo bà Thùa, hôm 4/2, doanh nghiệp nhập xăng A95 vào với giá 24.500 đồng, bán lẻ ra 24.560 đồng, chỉ lãi 60 đồng, coi như lỗ chi phí vận hành mà cũng không có hàng để bán.

An Giang sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp 'găm hàng' trục lợi từ xăng dầu ảnh 2Lực lượng chức năng kiểm tra bồn chưa xăng A95 và A92 của cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trung Thắng (huyện Thoại Sơn). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trước tình hình cung ứng xăng dầu đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ, cho biết thời gian tới, để kịp thời, chủ động nắm chặt tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu; phát hiện, ngăn chặn và kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang sẽ yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường giám sát, nắm chặt địa bàn quản lý, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xác minh, làm rõ từng trường hợp đóng cửa, không hoạt động...

Trong trường hợp cần thiết, lực lượng quản lý thị trường phải chủ động phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa hàng... Nếu có vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.