An Giang: Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản làng nghề

Để giúp các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh An Giang tạo điều kiện cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp bảo hộ xây dựng nhãn hiệu tập thể đặc sản địa phương cho làng nghề hoặc đặc sản địa danh.

An Giang hiện có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 26 làng nghề đã được hình thành từ 50 năm đến trên 100 năm, đã được Uỷ ban Nhân Dân tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.

Các làng nghề đã sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra ngoài tỉnh, được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Theo bà Bùi Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang, những năm gần đây, nhiều đặc sản làng nghề của An Giang đã được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến như: Khô rắn An Phú, bánh phồng Phú Mỹ, khô cá lóc Thoại Sơn, đường thốt nốt Bảy Núi, lụa Tân Châu, Chiếu Uzu....

Nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các đặc sản địa phương đã khẳng định được chất lượng, danh tiếng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa thật sự có sức cạnh tranh và chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng này do các đặc sản được sản xuất từ các cơ sở làng nghề mang tính tự phát, có quy mô nhỏ, sản xuất thủ công hoặc sản xuất bằng thiết bị không đồng bộ.

Việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương đang gặp nhiều khó khăn như: Xác định chất lượng sản phẩm chỉ dựa vào cảm quan nên không định lượng được tiêu chuẩn chung của sản phẩm. Đại diện đăng ký nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chưa am hiểu về sở hữu trí tuệ và giá trị tài sản trí tuệ. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên thiếu kiểm soát, quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán. Công nghệ chế biến, bảo quản thủ công nên chất lượng không đồng đều; chưa quan tâm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nên khó tìm "đầu ra" cho sản phẩm.

Để giúp các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh An Giang vận động, tạo điều kiện cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp bảo hộ xây dựng nhãn hiệu tập thể đặc sản địa phương cho làng nghề hoặc đặc sản địa phương mang địa danh.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho 38 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù. Nhưng thực tế các cơ sở làng nghề chưa thật sự quan tâm về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giá trị tài sản trí tuệ nên đến nay mới có 22 nhãn hiệu tập thể thực hiện dán nhãn lên sản phẩm do cơ sở sản xuất, nhưng không hoàn toàn tuân thủ các quy định về xem xét và cấp quyền sử dụng.

Điển hình như sản phẩm của làng nghề “Nhang Bình Đức," “Lưỡi câu Mỹ Hòa” (thành phố Long Xuyên) đã hình thành phát triển trên 60 năm nay nhưng chỉ sử dụng nhãn hiệu theo yêu cầu người đặt hàng. Hoặc làng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Khánh” (thành phố Long Xuyên) và làng nghề “Dệt thổ cẩm Silk Khmer Văn Giáo” (huyện Tịnh Biên) tuy các sản phẩm đã nổi tiếng từ lâu nhưng do việc sản xuất chỉ mang tính thời vụ và chỉ là nghề phụ nên ít được đầu tư, vì vậy không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại.

Còn sản phẩm “Mắm thái Châu Đốc," “Mắm Châu Đốc” đã hình thành gần 100 năm chỉ mới có 20 hộ thành viên tham gia vào làng nghề, hiện cũng có vài thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể song song với nhãn hiệu của cơ sở, vì vậy chưa phát huy được vai trò kiểm soát và sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Theo ông Trần Thiện Linh, Trưởng Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang), để khắc phục tình trạng này, An Giang cần có nhiều giải pháp như: Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với xây dựng thương hiệu để liên kết với hộ sản xuất kinh doanh trong sản xuất đặc sản gắn với doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện ba hình thức bảo hộ chủ yếu là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; qua đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc cụ thể hóa cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; lồng ghép việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015-2020 vào các chương trình, kế hoạch phát triển ngành và địa phương; đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm đặc sản và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tỉnh cần chọn thí điểm hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; gắn kết với lễ hội để xây dựng thương hiệu và phát triển giá trị văn hóa của đặc sản làng nghề.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đang tăng cường phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các buổi tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương, với các nội dung cụ thể như: Vai trò và ý nghĩa của sở hữu trí tuệ đối với kinh tế-xã hội và phát triển của địa phương; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, thương hiệu làng nghề, sản vật đặc trưng; hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục