Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn cháy nổ thương tâm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân.
Vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra ngày 19/3 tiếp tục là hồi chuông báo động về thực trạng buôn bán, kinh doanh phế liệu tràn lan và lỗ hổng trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các cơ quan chức năng.
Ẩn họa từ các cơ sở mua bán phế liệu
Không phải chỉ đến khi vụ nổ gây thương vong lớn tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, xảy ra người dân mới biết đến mối nguy tiềm tàng quanh các cơ sở mua bán phế liệu.
Trước đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn cháy nổ mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân trong quá trình thu gom, tái chế phế liệu.
Nguy hiểm là vậy nhưng hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại rất nhiều cơ sở mua bán phế liệu mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc.
Khu đô thị mới Văn Phú, nơi xảy ra vụ nổ đáng tiếc khiến 5 người thiệt mạng là nơi tập trung nhiều cửa hàng cơ khí, mua bán phế liệu, sắt thép.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, những cửa hàng, xưởng tái chế này vẫn duy trì hoạt động nhộn nhịp. Phía trong các xưởng tái chế, máy hàn, máy cắt, máy khò sắt thép hoạt động hết công suất, tia lửa bắn ra tung tóe và khói bốc lên đen kịt.
Tình trạng mất kiểm soát những khu biệt thự, chung cư cũng xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, đáng kể nhất là các khu đô thị Đại Thanh, Linh Đàm, Xa La...
Đặc biệt, tại chung cư Đại Thanh có nhiều căn hộ cho thuê làm cửa hàng kinh doanh gas, tại căn hộ số 43, khu liền kề 5 còn có một cửa hàng hóa chất và ngay phía cổng Nam là một vựa thu gom, tái chế phế liệu hoạt động suốt ngày đêm.
Thường xuyên theo dõi thông tin thời sự trên báo đài, bà Nguyễn Thị Hoa, người dân khu chung cư Đại Thanh cho biết, sau khi vụ nổ ở Hà Đông xảy ra bà mới thấy sống cạnh các khu vực có nhiều điểm mua bán phế liệu thực sự rất nguy hiểm.
Càng đáng lo hơn khi hầu hết các điểm thu mua thế liệu, trong đó có cơ sở tại chung cư Đại Thanh không được thường xuyên kiểm tra hoặc trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cấm thu mua vũ khí và các vật liệu nổ...
Theo quy định, các cơ sở thu mua phế liệu muốn hoạt động, mua bán cần phải có sự cấp phép của chính quyền địa phương.
Thế nhưng, thực tế trên địa bàn Hà Nội vẫn xuất hiện rất nhiều điểm thu mua phế liệu nhỏ lẻ, không có sự kiểm soát. Phần lớn những cơ sở này thường nằm lẫn trong các khu dân cư, khu vực ngoại thành, nơi có đất rộng để chứa phế liệu.
Đáng kể nhất là trong các khu vực như Hoàng Cầu, Triều Khúc, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa, Phùng Khoang... Bên cạnh đó, các xưởng cắt xẻ, chế biến sắt thải cũng mọc lên như nấm, tạo thành “dây chuyền” tái chế phế liệu trong các khu dân cư.
“Xóm phế liệu” ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, là nơi tập trung những ngôi nhà tạm bợ bên con kênh nước đen kịt. Từ trong nhà ra ngoài đường, các loại vỏ chai, giấy báo, vỏ nhựa, thậm chí cả bình gas... chất thành đống.
Cứ chiều chiều, người thu mua phế liệu rong lại chở từng tải vật liệu mà họ gom được trong ngày về tập kết tại đây.
Đồ điện cũ hỏng, có khi là quạt cũ, máy tính cũ, mẩu sắt thép… được trao đổi, cân đong ngay tại chỗ.
Theo lời một chủ vựa phế liệu, ngôi nhà dùng để chứa hàng được anh thuê lại của người dân. Món gì anh cũng thu mua, trừ các loại đạn, bom.
Khi được hỏi về việc có phải xin phép kinh doanh hay không thì anh này lắc đầu bảo làm ăn nhỏ nên không cần xin phép, ai làm cũng được.
Là người dân sống bên những xưởng tái chế luôn ẩm thấp, bốc mùi hôi thối, chị Trần Diệu My (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) không khỏi bức xúc: “Họ mang về đủ các loại phế liệu và phun rửa tại đây khiến do khúc sông trước nhà bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các bao tải chứa vỏ lon, vỏ chai hay bìa các tông chất cao hơn cả mái nhà. Máy cắt, máy xẻ chạy suốt ngày đêm, không biết khi nào thì gây họa.”
Cần siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ
Ngay sau khi vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú xảy ra, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an, đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để người kinh doanh chủ động phòng tránh.
Điều 5, Pháp lệnh 16 ngày 30-6-2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã quy định rõ việc cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Khoản 4, Điều 10, Nghị định 67/NĐ-CP cũng quy định mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép.
Quy định là vậy nhưng hiện nay, đối với người dân, việc nhận biết các vật chứa chất nổ là rất khó.
Đôi khi phát hiện ra một vật hoen gỉ, nhiều người tưởng là phế liệu vô hại mà không biết bên trong chứa chất nổ, xử lý không đúng cách dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt, nhiều người biết là bom mìn rồi vẫn cưa, cắt, đập lấy sắt vụn, trường hợp này xảy ra nhiều ở các điểm thu mua sắt phế liệu nằm rải rác trên địa bàn Thủ đô.
Nhằm tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, mới đây Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm chỉ thị về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, phải xử lý dứt điểm tình trạng lộn xộn trong kinh doanh phế liệu gây mất an toàn, trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường.
Các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua phế liệu.
Đồng thời, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tới các chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức bảo đảm cảnh quan môi trường, phòng chống cháy nổ.../.