"An toàn hàng hải quan trọng vẫn là ý thức thuyền viên"

Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về vấn đề đảm bảo an toàn hàng hải.
"An toàn hàng hải quan trọng vẫn là ý thức thuyền viên" ảnh 1Trục vớt tàu cá bị chìm tại Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Liên quan đến vụ tàu Phúc Xuân 68 bị chìm sau khi đâm va với tàu Nam Vỹ 69 trên vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) hôm 9/11, một lần nữa câu chuyện đảm bảo an toàn hàng hải lại được đặt ra, đặc biệt sau khi Bộ Giao thông Vận tải mở các tuyến vận tải ven biển để giảm tải cho đường bộ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

- Từ đầu năm đến nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn hàng hải, thiệt hại về người và tài sản trong các vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật: Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 13 vụ tai nạn hàng hải, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2013 (13/24 vụ). Trong đó có 6 vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển, 7 vụ tai nạn hàng hải xảy ra ngoài biển; 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 10 vụ nghiêm trọng và 1 vụ ít nghiêm trọng. Số người chết và mất tích là 9 người, giảm 10 người so với cùng kỳ năm 2013 (9/19 người).

Về tài sản, hiện chưa tính toán được cụ thể vì sau khi kết thúc điều tra tai nạn, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan mới tính giá trị tổn thất, chủ yếu là đòi bảo hiểm.

- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính trong các vụ tai nạn hàng hải thời gian qua?

Ông Nguyễn Nhật: Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành điều tra các vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể gây ra tai nạn hàng hải nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.

Qua công tác điều tra, phân tích các vụ tai nạn hàng hải, nguyên nhân chủ yếu là do sỹ quan, thuyền viên của tàu chưa thực sự chú tâm trong công tác cảnh giới khi đang hành trình; Ý thức trách nhiệm của sỹ quan, thuyền viên trong quá trình hàng hải chưa nghiêm túc, khả năng điều động tránh va kém, chủ quan, không tuân thủ các quy định về cảnh giới, tốc độ an toàn, tác nghiệp tránh va trong luồng hẹp, đèn hiệu… Đặc biệt là về ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu.

Mặt khác, hệ thống trang thiết bị máy móc của một số tàu gây tai nạn chưa được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên theo quy định. Cùng với đó là thời tiết có hiện tượng mù kéo dài làm cản trở tầm nhìn của tàu thuyền khi hành trình trên biển.

Một số phương tiện thủy nội địa gây tai nạn hàng hải có tình trạng kỹ thuật kém, chở quá tải, thuyền viên thiếu kinh nghiệm trong điều động tàu hoạt động trên luồng hàng hải cũng là một trong những nguyên nhân đã gây ra các vụ tai nạn hàng hải. Ngoài ra, một nguyên nhân khác phải kể đến là một số tàu cá gây tai nạn hàng hải có trang thiết bị thô sơ, ý thức tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường còn kém.

- Sau vụ tai nạn đâm va giữa tàu Phúc Xuân 68 với tàu Nam Vỹ 69 hôm 9/11 vừa qua, phía Cục hàng hải Việt Nam đã triển khai những giải pháp gì để tìm kiếm thuyền viên mất tích và xác định nguyên nhân tai nạn?

Ông Nguyễn Nhật: Ngay sau khi nhận được thông tin về tai nạn đâm va giữa tàu Phúc Xuân 68 với tàu Nam Vỹ 69, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo ngay Cảng vụ hàng hải Nha Trang thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.. Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam đã cử thêm cán bộ có kinh nghiệm tại các Cảng vụ hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng hỗ trợ Cảng vụ hàng hải Nha Trang tổ chức điều tra tai nạn hàng hải.

Tiếp tục mở rộng hướng tìm kiếm, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với Công ty Trục vớt Cứu hộ Việt Nam (VISAL) và Xí nghiệp vận tải biển và Công tác lặn của Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsopetro) để triển khai lặn tìm kiếm thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68.

Nhưng do độ sâu nơi tàu chìm trên 90m, trong khi đó khả năng của các đơn vị cứu hộ, thợ lặn trong nước chỉ lặn được ở độ sâu khoảng 50m, vì vậy, không có khả năng triển khai hoạt động lặn tìm kiếm thuyền viên có thể đang bị kẹt trong tàu.

Theo báo cáo ban đầu của Tổ điều tra, nguyên nhân tại nạn có thể tóm tắt như sau: Công tác cảnh giới của thuyền viên đi ca chưa thực hiện triệt để, trang thiết bị hỗ trợ trên buồng lái không hoạt động hiệu quả; thực hiện công tác tránh va chưa đúng quy định theo quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (Điều 6,7 và 8 của Quy tắc);Chưa sử dụng triệt để trang thiết bị trên buồng lái để thực hiện công tác phòng ngừa nguy cơ đâm va (Điều 5 của Quy tắc) và sỹ quan đi ca không đánh giá, nhận định được nguy cơ đâm va, đã để phuơng tiện của mình tiếp cận quá gần mục tiêu và không xử lý kịp để tàu đâm va nhau (Điều 7 của Quy tắc).|

- Qua vụ hai tàu hàng đâm va nêu trên, chúng ta rút ra bài học gì để không để xảy ra các vụ tai nạn hàng hải đáng tiếc khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật: Theo thống kê về nguyên nhân tai nạn đâm va, hầu hết nguyên nhân dẫn đến tại nạn là do yếu tố con người. Việc phòng tránh tai nạn đâm va hoàn toàn có thể được nếu người điều khiển tàu, chủ tàu và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt những biện pháp sau: Trong hành trình trên biển, đặc biệt là khi có sương mù, phải tổ chức nghiêm công tác cảnh giới, thực hiện nghiêm Quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển; Tổ chức kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên khi tàu đến và rời cảng để tránh tình trạng sử dụng bằng giả, dẫn đến việc doanh nghiệp sử dụng thuyền viên không bảo đảm chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; Nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên cả về nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ tính mạng thuyền viên, quản lý tàu thuyền và hàng hóa; Doanh nghiệp phải đầu tư đầy đủ nghi khí hàng hải, trang thiết bị theo quy định của Tổ chức hàng hải Quốc tế (IMO), đặc biệt đối với đội tàu VR-SB, để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi hoạt động trên biển; Nghiên cứu đầu tư hệ thống Đài bờ AIS, hệ thống hướng dẫn hành hải VTS cho các Cảng vụ hàng hải để có thể quan sát, theo dõi, cảnh báo cho tàu thuyền khi nguy cơ tai nạn có thể xảy ra.

- Để hạn chế tai nạn hàng hải, trong thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề ra những biện pháp nào? Và trong thời gian tới Cục sẽ thực hiện những biện pháp nào để hạn chế tai nạn hàng hải?

Ông Nguyễn Nhật: Để hạn chế tai nạn hàng hải, trong thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp như tổ chức phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật Việt Nam và các Công ước quốc tế về hàng hải tới các tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động hàng hải; Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Chỉ thị 17/2003/CT-TTg ngày 04/08/2003 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải…

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên khi tàu đến và rời cảng; xử lý nghiêm các vi phạm về định biên an toàn tối thiểu, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn giả mạo, đồng thời tổ chức giám sát nghiêm hoạt động hoa tiêu dẫn tàu, đình chỉ hành nghề có thời hạn hoặc kiến nghị với cơ quan chức năng thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề Hoa tiêu đối với những Hoa tiêu dẫn tàu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái gây tai nạn.

Cùng với đó, Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường kiểm tra hệ thống luồng tàu biển, báo hiệu hàng hải; yêu cầu các đơn vị Bảo đảm an toàn hàng hải điều chỉnh kịp thời sai lệch về báo hiệu hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tại địa phương làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh Bộ Giao thông Vận tải vừa mở nhiều chuyến vận tải ven biển để giảm tải cho đường bộ thì vấn đề an toàn hàng hải càng phải quan tâm hơn nữa, do vậy ngoài những biện pháp Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện thời gian qua, trong thời tới Cục sẽ tập trung thêm các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng hải và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập tới các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn hàng hải đối với chủ tàu, chủ doanh nghiệp cảng biển, sỹ quan, thuyền viên và các chủ doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, người điều khiển phương tiện thủy nội địa, tàu cá hoạt động thường xuyên trên tuyến luồng hàng hải; Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ sỹ quan và thuyền viên trên tàu biển và cán bộ quản lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm về an toàn hàng hải trên biển và trong vùng nước cảng biển; Nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của người làm công tác kiểm tra, giám sát an toàn hàng hải…

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục