Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm... tại các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, song để đưa được vào hệ thống này, hàng hóa sẽ phải trải qua quy trình kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đây cũng là nội dung chính của hội thảo: “Đẩy mạnh kết nối sản phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị và kênh phân phối hiện đại,” do Báo Công Thương tổ chức sáng 17/7, tại Hà Nội.
Chất lượng - Tiêu chí hàng đầu
LOTTE Mart là một trong những nhà bán lẻ nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam, với cột mốc khai trương chi nhánh đầu tiên Nam Sài Gòn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008.
Ông Park Chang Lyul, Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam cho hay tất cả các mặt hàng cung cấp vào LOTTE Mart đều đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan Nhà nước và trải qua quy trình kiểm soát từ việc nhập hàng cho đến ra thành phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, từng khâu, LOTTE Mart sẽ có những bộ phận kiểm soát và quy trình riêng để kiểm soát chất lượng.
Hà Nội phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng Hà Nội thanh, kiểm tra gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại Thủ đô, phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt gần 4,5 tỷ đồng.
Đơn cử, đối với khâu kiểm soát đầu vào, hàng hóa là hàng tươi sống, bộ phận kiểm soát chất lượng kiểm tra và đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và các chứng nhận sản phẩm uy tín như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; kết quả kiểm nghiệm, giấy chứng nhận kiểm dịch, tờ khai hải quan, chứng nhận nguồn gốc (nguyên liệu nhập khẩu), sản phẩm mẫu/nội dung nhãn tiếng Việt (sản phẩm đã bao gói).
“Nhân viên nhận hàng của LOTTE khi nhận vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp Luật Việt Nam, hàng hóa nhận vào phải đúng số lượng, chất lượng, phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của siêu thị LOTTE Mart đặt ra,” ông Park Chang Lyul chia sẻ.
Bên cạnh các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm do các cơ quan ban ngành đề ra, tất cả các sản phẩm tươi sống và thực phẩm khô tại LOTTE Mart đều được thường xuyên được đội ngũ kiểm định chất lượng nội bộ kiểm soát chặt chẽ theo chuẩn riêng từ LOTTE Mart và tập đoàn LOTTE để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Sau khi đã đạt các chuẩn chất lượng do LOTTE Mart đưa ra, sản phẩm sẽ được phép bày bán tại hệ thống siêu thị LOTTE Mart trên toàn quốc.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn và đặc biệt ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô rộng khắp trên cả nước như hệ thống Big C & Go, Hệ thống chuỗi siêu thị CO.OP, hoặc hệ thống siêu thị Mega Market…
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh, tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm sạch không nằm ngoài hướng đi chung. Việt Nam đang và sẽ có một số yếu tố thuận lợi như thu nhập của người tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, sự đầu tư vào sức khỏe ngày càng được quan tâm hơn. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, đối với nguồn cung, hiện nay, nền sản xuất của Việt Nam đang phát triển cả về chất lượng, số lượng và phong phú về chủng loại, thân thiện với môi trường. Các kênh phân phối cũng đang được phát triển đa dạng và hiện đại, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong việc mua sắm các loại nông sản, thực phẩm theo nhu cầu.
"Với những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng các loại nông sản, thực phẩm được đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa là nơi mua bán sản phẩm an toàn uy tín," ông Nguyễn Tiến Cường lưu ý thêm.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Huỳnh Thanh Hiệp, Trưởng phòng KCS, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, để chất lượng sản phẩm được kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nguyên tắc tiếp cận đó là dựa trên phân tích rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn, từ việc kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm, kiểm soát an ninh phòng vệ đến kiểm soát gian lận thực phẩm.
“Việc kiểm soát an ninh phòng vệ để bảo vệ nhà sản xuất thực phẩm sàng lọc các tác nhân gây nhiễm bẩn thực phẩm, qua đó có các biện pháp phòng ngừa và hạn chế sự tiếp cận gây mất an toàn thực phẩm,” ông Huỳnh Thanh Hiệp nói.
Minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua các kênh trực tuyến.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn.
Bà Lê Thị Hà, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, các sàn thương mại điện tử đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, liên tục nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng.
“Thời gian tới, Cục sẽ tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm,” bà Lê Thị Hà cho hay.
Từ kinh nghiệm vận hành tại Việt Nam, ông Park Chang Lyul nhấn mạnh một số điểm mà các nhà cung ứng trong nước nên chú ý. Theo đó, các nhà cung cấp trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận hoạt động cũng như tìm hiểu về quy trình giao nhận hàng hóa của hệ thống bán lẻ để đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết.
“Trong thời gian qua, chúng tôi thấy hồ sơ pháp lý của các nhà cung cấp, đặc biệt các nhà cung cấp quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu hoặc không theo quy chuẩn, khiến cho việc xét duyệt hồ sơ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vậy nên đối với những hồ sơ pháp lý như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm, quy định tem nhãn… cần phải được tuân thủ chuẩn và đầy đủ,” ông nói.
Bên cạnh đó, đại diện LOTTE Mart cũng nhấn mạnh về mẫu mã bao bì sản phẩm của các nhà cung cấp nội địa dù đã có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, nhưng thực sự vẫn chưa theo kịp những thay đổi của thị trường và cuối cùng, để thu hút người tiêu dùng là độ đồng đều chất lượng hàng hóa, đảm bảo đủ sản lượng cung cấp và giữ được sản phẩm tươi ngon khi vận chuyển đến siêu thị LOTTE Mart.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà phân phối gặp khó khăn trong việc đảm bảo thời gian giao hàng, bị chậm trễ hoặc thiếu hàng, hay hàng hóa không đạt đủ điều kiện giao nhận. Tôi tin rằng nếu các nhà cung cấp trong nước cải thiện được các vấn đề trên thì con đường đưa sản phẩm của các quý doanh nghiệp vào hệ thống siêu thị hiện đại như LOTTE Mart sẽ rất rộng mở,” ông Park Chang Lyul, Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam chia sẻ thêm.
Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đến Kế hoạch hành động quốc gia để có hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm bền vững (bao gồm: phát triển bền vững, an toàn thực phẩm và tiêu dùng Xanh) cần tiếp tục được hành động.
Bà Nga cho biết Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối Xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững; đưa thương mại điện tử theo hướng minh bạch, bền vững, đồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này./.