Ấn tượng khó quên khi đến đền thờ Thần Oarai Isosaki Jinja ở Nhật

Trong số khoảng 80.000 đền thờ Thần ở Nhật Bản, không phải đền thờ nào cũng để lại nhiều ấn tượng về sự khác biệt như đền thờ Thần đạo Oarai Isosaiki Jinja, ở thành phố Mito, tỉnh Ibaraki.
Đền thờ Thần Oarai Isosaki Jinja. (Ảnh: Như Nam/Vietnam+)

Thần đạo là tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Nhật Bản, vì thế ở Nhật có khoảng 80.000 đền thờ Thần. Trong số đó, không phải đền thờ nào cũng để lại nhiều ấn tượng về sự khác biệt như đền thờ Thần đạo Oarai Isosaiki Jinja, ở thành phố Mito, tỉnh Ibaraki.

Vì nguồn nước giếng ở đây rất đặc biệt nên ông Shintoku, thủ từ của đền thường khuyên du khách ngoài rửa tay thì hãy uống thêm một ngụm nước giếng bên cửa đền để thụ nhận sức khỏe cũng như phước lành mà các vị thần truyền cho con người. Quả thực, nước giếng rất trong và đọng vị ngọt mát sau khi uống.

Một trong những điều làm nên sự khác biết của đền Oarai còn là sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại qua những ema (thư gửi các vị thần bằng miếng gỗ nhỏ). Không chỉ viết điều ước, lời khẩn cầu như bình thường, bạn còn được phép vẽ các nhân vật hoạt hình manga sinh động lên các ema (ở những nơi khác, chỉ được ghi họ tên, điều ước một cách nghiêm ngắn). Vì thế, du khách khi đến đây đều vô cùng thích thú.

Có lẽ, điểm đặc biệt nhất nơi đây là ngoài cổng đền phổ biến còn có cổng thần đạo “Kamiiso no Torii” dựng trên bờ đá nằm ngoài Thái Bình Dương, tách biệt hẳn với khu đền Oarai. Vào những sớm ngày nắng đẹp, Mặt Trời mọc lên từ biển nhuốm đỏ rực cả cổng thần đạo Torii. Được chiêm ngưỡng tuyệt cảnh thiên nhiên mà linh thiêng hiếm có này sẽ thực sự là khoảnh khắc ấn tượng khó quên với mỗi du khách.

Quét dọn là một trong những công việc hằng ngày của mỗi Miko ở đền thờ Thần Oarai. (Ảnh: Như Nam)

Theo lời giới thiệu của thủ từ Shintoku, đền Oarai Isosaiki Jinja có cách đây 1.160 năm, nhưng sau nhiều biến cố hỏa hoạn, động đất, ngôi nhà cổ nhất mới được phục dựng nguyên trạng kiến trúc khoảng 400 năm nay. Trong đền, người ta tin thần Onamu Chinomikoto mang đến bình an và buôn bán phát đạt.

Khu vực linh thiêng nhất là sảnh điện và chỉ có các chủ tế mới được phép vào làm lễ. Còn khu vực bên ngoài cho phép du khách thập phương đến viếng, cầu nguyện, uống nước, thăm quan...

Cổng torii bằng gỗ bên ngoài đền thờ treo những dây thừng rơm, quấn thêm giấy hay vải trắng hình dạng như tia sét có ý nghĩa đuổi tà. Hằng ngày, vào buổi sáng, ông Từ sẽ mở cửa chào đón những đoàn khách thập phương và đến chiều tối sẽ đóng cửa lại để cho thần linh nghỉ ngơi.

Ông Shintoku cho biết, vào ngày 1 và 15 hàng tháng đều có lễ hội Tsu Kinami Sai. Lễ có hai ý nghĩa: vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản, thể hiện sự tôn kính thần linh, vừa cầu cho quốc thái dân an, mọi sự tốt lành.

Cổng Torri "mọc" trên bãi đá bên ngoài Thái Bình Dương. (Nguồn ảnh: Sở Du lịch tỉnh Ibaraki)

Phần chính lễ là màn múa trên nền ca khúc tế thần. Đây cũng là nơi khách thập phương ước cầu. Để cầu thần đền phù hộ, theo phong tục Nhật Bản, bạn phải cúi đầu hai lần, vỗ tay hai lần rồi nói ước mong thầm kín và kết thúc bằng một lần cúi đầu nữa.

Đặc biệt, theo thủ từ Shintoku, có rất nhiều điệu múa liên tục thay đổi trong những tháng khác nhau, gọi chung là múa dành cho lễ hội Tsu Kinami Sai. Người thực hiện những điệu múa này là Miko, họ truyền những lời ước nguyện của người dân tới các vị thần thông qua các điệu múa.

Miko giúp đỡ chủ tế trong các buổi lễ biểu diễn các điệu múa nghi lễ (họ thường cầm quạt hay chuông). Họ cũng phải làm công việc quét dọn sân đền, thắp đèn lồng, làm thẻ xăm bói toán, hoặc bán các loại bùa may mắn. Thời xưa các Miko (hay còn gọi vu nữ) bắt buộc phải là trinh nữ.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, Miko phần lớn được thuê làm bán thời gian hoặc là những cô gái trẻ không quá 25 tuổi có phẩm chất tốt, tình nguyện phục vụ trong đền. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, gồm quần hakama màu đỏ, áo kimono trắng và bít tất tabi. Tóc của Miko luôn phải được cột ngay ngắn bằng dải lụa đỏ hoặc trắng, thể hiện tâm hồn thuần khiết và sự nhiệt huyết với công việc thiêng liêng này.

Thủ Từ Shintoku. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Chúng tôi vừa có điểm giống vừa có điểm khác so với Phật giáo của Việt Nam. Giống là cũng phải học, học về thần đạo, học cách để có thể thay mặt và truyền đạt những lời cầu nguyện của khách thập phương lên tới các vị thần trong Thần đạo. Nhưng ở Nhật Bản, không phải đền nào cũng có ông thủ Từ để chăm sóc mọi việc, bởi việc học để trở thành một ông Từ rất khó khăn,” thủ từ Shintoku chia sẻ.

Và hôm đó, may mắn đến đúng ngày mồng Một, nên tôi được thưởng thức điệu múa “Toyosaka no mai” duyên dáng trước khi ra về. Những Miko có gương mặt thánh thiện thể hiện những động tác uyển chuyển, duyên dáng trong chính điện.

Ánh nắng vàng phủ đặc quánh lên những tán phong có màu nâu non của mùa Hè, phủ lên những mái vòm lá cổ kính nhuốm màu thời gian, cảm giữa vừa tôn nghiêm, thanh tịnh vừa nhẹ nhõm tâm tư.../.

Đền thờ Thần đạo Oarai Isosaiki Jinja.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục