Theo kết quả phân tích của hãng Analytics thuộc tập đoàn Moody's của Mỹ, triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APAC) năm 2025 vẫn tích cực, trong đó tăng trưởng sẽ tăng tốc ở Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những nước có nhiều lợi ích nhất từ xu thế này.
Theo Analytics, kinh tế của khu vực Đông Nam Á khởi sắc nhờ thương mại, đầu tư, tiêu dùng, chính sách tài khóa nói chung và vào đầu năm 2025 là chính sách nới lỏng tiền tệ.
Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng, từ đó ghi nhận sự tăng trưởng ổn định về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên mức 6,5% năm 2025 so với mức 5,0% năm 2024.
Báo cáo nhấn mạnh: “Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Việt Nam, đang được hưởng lợi từ dòng đầu tư tăng từ cả nguồn trong nước và quốc tế."
Malaysia và Thái Lan cũng tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Singapore được đánh giá ổn định hơn nhưng với tốc độ chậm hơn do là nền kinh tế phát triển. Philippines và Indonesia không tụt hậu quá xa so với Việt Nam, nhưng nền kinh tế của hai nước này không hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu. Hai nước đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, điều này sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao.
Analytics cũng lưu ý đến những rủi ro, đặc biệt là đối với Philippines, khuyến cáo nước này phải bám sát và thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra. Trong khi đó, Indonesia được dự báo sẽ đối mặt nhiều vấn đề cho đến khi ông Prabowo Subianto nhậm chức tổng thống vào tháng 10/2024.
Analytics cho biết chi tiêu đầu tư đang giúp duy trì nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách tài khóa ở Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc hỗ trợ cho các nhà sản xuất vay vốn ngân hàng, đang hỗ trợ tăng trưởng ở hai nền kinh tế lớn này./.
Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Điểm nhấn từ chính sách điều hành
ADB đánh giá lạm phát ở Việt Nam sẽ được duy trì ổn định ở mức 4,0% trong hai năm 2024 và 2025, “trái ngọt” từ động thái điều hành chính sách tiền tệ rất khéo léo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.