Anh có thể trở thành "thiên đường thuế" tại châu Âu sau Brexit

Đảo quốc Sương mù sẽ cạnh tranh bằng việc đưa ra mức thuế thấp nếu nước này không nhận được quyền đưa hàng hóa tự do vào thị trường chung EU.
Anh có thể trở thành "thiên đường thuế" tại châu Âu sau Brexit ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tờ Financial Times ngày 15/1 cho biết, Chính phủ Anh sẽ thực thi sách lược thực dụng trong tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).

Biểu hiện rõ nhất là việc Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond hôm 15/1 đưa ra cảnh báo rằng Đảo quốc Sương mù sẽ cạnh tranh bằng việc đưa ra mức thuế thấp nếu nước này không nhận được quyền đưa hàng hóa tự do vào thị trường chung EU.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh cũng bác lại những lời kêu gọi nước Anh đi theo mô hình kinh tế của Singapore - nước có mức thuế doanh nghiệp thấp nhất châu Á, và nói rằng ông hy vọng nước Anh vẫn là dòng chủ lưu về tư duy kinh tế và xã hội tại châu Âu.

Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Đức về việc liệu nước Anh có trở thành " thiên đường thuế" của châu Âu hay không, ông Hammond nói rằng người Anh sẽ không chịu để mặc ai muốn làm gì họ thì làm.

Dù vậy, Văn phòng Thủ tướng Anh ngày càng nhận ra một điều rằng không nên để các cuộc đàm phán Brexit bị rơi vào tình trạng các bên đối lập nhau.

Cựu cố vấn kinh tế của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ông Gerard Lyons, cho rằng Thủ tướng Anh nên từ bỏ việc tìm kiếm khả năng ở lại khối thị trường chung châu Âu hoặc liên minh thuế quan EU trong trường hợp không có một thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa hai bên trước khi Anh rời EU.

Thay vào đó, nước Anh nên giải quyết theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, tuân theo nguyên tắc "bớt tham vọng và thỏa thuận theo từng ngành, lĩnh vực riêng" nếu có thể.

Tuần trước, nhóm vận động hành lang của Khu tài chính London đã giảm bớt những kỳ vọng của họ đối với Brexit khi tuyên bố từ bỏ mục tiêu đòi giữ quyền "hộ chiếu EU" cho các ngân hàng Anh, là quyền cho phép họ được bán các sản phẩm dịch vụ tại thị trường chung châu Âu tự do như hiện nay.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney và trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đều đưa ra những nhận xét tích cực trong những ngày gần đây.

Ông Carney cho rằng Brexit không phải là rủi ro tài chính lớn nhất của nước Anh, trong khi ông Barnier cho biết EU sẵn sàng đồng ý "mối quan hệ đặc biệt" với khu tài chính London.

Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo của EU có thể sẽ có quan điểm cứng rắn đối với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh Hammond khi ông cho biết chính phủ Anh đang suy nghĩ về việc đưa đảo quốc này thành "thiên đường thuế" của châu Âu sau khi Anh rời EU.

Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Hà Lan Lodewijk Asscher đã lên tiếng chỉ trích rằng Chính phủ Anh đang muốn tổ chức một cuộc chạy đua về đánh thuế lợi nhuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.