Ngày 23/8, Chính phủ Anh công bố đề xuất một hình thức trọng tài; trong đó Tòa công lý châu Âu (ECJ) sẽ có tiếng nói trong giải quyết tranh chấp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh khi hai bên đàm phán để Anh rời khỏi mái nhà chung EU, còn gọi là Brexit.
Chính phủ Anh đã thể hiện sẵn sàng thừa nhận vai trò trọng tài gián tiếp của ECJ trong cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Brussels và London.
Một tài liệu mang tính kỹ thuật vừa được Anh công bố cho thấy một quan điểm khá mềm dẻo nếu so sánh với những lời tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Anh Thesresa May trước đây.
[Kịch bản Brexit "cứng" có thể gây khó cho việc xử lý chất thải tại Anh]
Nữ Thủ tướng Anh từng nói rằng việc đảo quốc ra khỏi Tòa công lý châu Âu giống như một biểu tượng về sự giành lại chủ quyền cho xứ sở sương mù.
Những người ủng hộ Brexit sẽ không chấp nhận việc một tòa án gồm những thẩm phán nước ngoài lại có thẩm quyền quyết định các vụ tranh chấp liên quan đến nước Anh.
Và như vậy, những người này cho rằng Brexit sẽ cho phép Vương quốc Anh có toàn quyền "kiểm soát hệ thống luật pháp của mình."
Trong tài liệu được công bố, chính phủ Anh khẳng định sẽ "chấm dứt thẩm quyền trực tiếp của ECJ."
Chính phủ Anh đã tế nhị thêm từ "trực tiếp" để mở cánh cửa cho một giải pháp có thể được hai bên chấp nhận.
Điều này có nghĩa là dù Anh không chấp nhận một cách tự động thẩm quyền tối cao của tòa tư pháp châu Âu như mong muốn của EU, trên thực tế ECJ có thể vẫn đóng một vai trò nhất định về giải quyết các tranh chấp phát sinh trong tiến trình Brexit.
Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab gợi ý về một lối thoát khả thi nhất với mô hình một ủy ban trọng tài, bao gồm một thẩm phán được EU đề xuất, một do phía Anh đề xuất và người thứ ba được hai bên cùng thống nhất lựa chọn.
Theo mô hình này, Anh và EU đều có thể cầu viện một cách tự nguyện đến Tòa công lý châu Âu, bằng cách yêu cầu Tòa giải thích luật châu Âu.
Phía Anh đã dẫn chứng ví dụ về thỏa thuận giữa EU và Moldova trên thực tế đã vận hành tốt theo cách thức này. Chính phủ Anh cũng gợi ý việc xét xử của ECJ về các vấn đề trước Brexit có thể tiếp tục được áp dụng. Tuy nhiên, không chắc những đề xuất này đã đủ trấn an Brussels.
Ủy ban châu Âu lo ngại đặc biệt về cách thức mà các công dân EU sống tại Anh sẽ được đối xử ra sao, đồng thời mong muốn có tiếng nói trong trường hợp xảy ra tranh chấp tại tòa.
[Nước Anh bác tin hoãn vòng đàm phán Brexit vào tháng 10]
Phía Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ mong muốn duy trì vai trò của ECJ trong giai đoạn chuyển tiếp được phía Anh đề xuất.
Cũng liên quan đến Brexit, theo kết quả một cuộc khảo sát của ngành công nghiệp được công bố ngày 24/8, gần một nửa số doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm của Anh cho biết công nhân EU đang lao động tại Anh đang có ý định rời khỏi xứ sở sương mù do không chắc chắn về tương lai Brexit.
Mặc dù từ trước tới nay, phần lớn các cuộc tranh luận về Brexit thường tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất ôtô và hàng không vũ trụ, tuy nhiên tiến trình Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành chế biến thực phẩm, ngành sản xuất lớn nhất của Anh hiện nay và phụ thuộc rất nhiều vào lao động nhập cư.
Giới chức Anh đánh giá việc cắt giảm đột ngột số lao động EU đủ điều kiện làm việc tại Anh sau Brexit sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể cho toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, và sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm ở Anh.
Một số công ty cho biết các hoạt động kinh doanh của họ sẽ khó kiểm soát nếu không có các lao động EU.
Dự kiến vòng đàm phán thứ ba về Brexit sẽ diễn ra tuần tới tại Brussels của Bỉ, tập trung vào các vấn đề như quyền công dân, thỏa thuận chi phí và vấn đề Ireland./.