Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tuần tới Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bắt đầu bước vào giai đoạn đàm phán căng thẳng nhằm giải quyết tranh cãi về mối quan hệ thương mại hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), trước lễ kỷ niệm ngày ký thỏa thuận hòa bình của Bắc Ireland vào tháng Tư tới.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic dự kiến bắt đầu các cuộc đàm phán vào ngày 16/1.
Đầu tuần này, hai quan chức tuyên bố EU đồng ý sử dụng cơ sở dữ liệu trực tiếp của Vương quốc Anh để theo dõi hàng hóa di chuyển từ quốc gia này đến Bắc Ireland.
[Các bên nỗ lực giải quyết bất đồng về quy định thương mại hậu Brexit]
Đây là dấu hiệu tiến triển đầu tiên trong cuộc tranh cãi kéo dài về các quy tắc thương mại thời hậu Brexit và là bước đi mở đường cho các cuộc đàm phán về các vấn đề khác phức tạp hơn, chẳng hạn như kiểm tra hàng hóa nông sản, viện trợ nhà nước và thuế VAT.
Các vấn đề nổi cộm khác bao gồm bất đồng trong việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland, trong đó Anh yêu cầu tước bỏ hoàn toàn vai trò của Tòa án Công lý châu Âu giải quyết tranh chấp sau Brexit trong khu vực. Đây vẫn là một lằn ranh đỏ đối với EU.
Nghị định thư Bắc Ireland là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland.
Tuy nhiên, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) cho rằng việc thực thi nghị định đã chia cắt vùng lãnh thổ này với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Tháng 11/2022, Chính phủ Anh đã quyết định lùi cuộc bầu cử nhằm khôi phục hoạt động của chính quyền vùng Bắc Ireland, vốn dự kiến tổ chức trong tháng 12/2022, sang năm 2023 và chính thức ấn định ngày 19/1/2023 là hạn chót để thành lập chính quyền tại đây.
Hồi tháng 10/2022, sau nhiều tháng gián đoạn, Anh và EU cũng đã nối lại đàm phán để tháo gỡ mâu thuẫn liên quan Nghị định thư Bắc Ireland với hy vọng sớm đạt đồng thuận./.