Nhà sản xuất xe ôtô Honda của Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất của họ tại Swindon vào năm 2022.
Tuyên bố này là một gáo nước lạnh giội vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi của Vương quốc Anh, đồng nghĩa với việc 3.500 việc làm của người Anh tại nhà máy sẽ bị mất.
Ngoài ra, các nhà cung ứng của nước Anh cho nhà máy tại Swindon cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
Người phát ngôn của Honda ông Tomlinson cho biết "quyết định đóng cửa nhà máy tại Swindon là do thu thế toàn cầu chứ không liên quan đến vấn đề Brexit."
Ông cũng cho biết thêm nhà máy của Honda tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa do tất cả thị trường sản xuất xe ôtô tại châu Âu đang được công ty mẹ tại Nhật Bản củng cố, sắp xếp lại.
Ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô đang đối mặt bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, thêm vào đó những căng thẳng thương mại, khiến tại châu Âu đang có sự dịch chuyển mạnh giảm sản xuất xe chạy bằng diesel.
Ông Tomlinson cố gắng làm giảm nhẹ tác động của vấn đề Brexit liên quan đến quyết định của Honda.
Trong bối cảnh một nội dung quan trọng của thỏa thuận thương mại mới giữa EU và Nhật Bản là miễn thuế hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang EU (EU cam kết sẽ giảm đánh thuế xe hơi từ 10% xuống 0% vào năm 2027), ông Tomlinson cho hay với thỏa thuận thương mại mới này, Honda sẽ sản xuất xe tại Nhật Bản rồi xuất khẩu sang EU hơn là sản xuất xe ôtô tại châu Âu.
Một nửa số xe sản xuất tại Swindon hiện nay là để xuất sang thị trường Mỹ.
[Những dấu hiệu của thị trường ôtô Việt Nam bắt đầu sôi động]
Trước đó hai tuần, hãng sản xuất xe ôtô Nisan (cũng của Nhật Bản) cũng thông báo sẽ không sản xuất dòng xe thể thao X-Trail của họ tại nhà máy ở Sunderland, nhà máy sản xuất xe ôtô lớn nhất tại nước Anh.
Nissan cũng nói rằng việc đóng cửa là do xu thế sản xuất xe ôtô trên thế giới. Trong khi đó, việc Ford cảnh báo có thể sẽ cắt giảm bớt việc làm nếu như nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào đã khiến Chính phủ Anh bị chỉ trích nặng nề về cách xử lý vấn đề Brexit.
Ngày 18/2, một số bộ trưởng Anh đã đề nghị Thủ tướng Theresa May ngừng đưa ra cảnh báo nước Anh có thể rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận như là một "chiến thuật đàm phán" của mình vì các doanh nghiệp và các nhà sản xuất hiện nay rất cần một sự đảm bảo ổn định.
Theo phóng viên TTXVN tại London, đề nghị này do Bộ trưởng Tư pháp David Gauke, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark và Bộ trưởng phụ trách vùng Scotland David Mundell đưa ra trong cuộc gặp gỡ riêng với Thủ tướng May. Bốn quan chức trên thuộc nhóm những bộ trưởng ủng hộ Brexit có thỏa thuận.
Văn phòng Thủ tướng không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc gặp riêng giữa bà May và các bộ trưởng, song cho biết một số vấn đề có thể sẽ được đưa ra thảo luận công khai tại cuộc họp Nội các vào ngày hôm nay (19/2).
Đề xuất trên được cho là sẽ gây xung đột với những người thuộc phái hoài nghi châu Âu trong Nội các vì những người này ủng hộ việc nước Anh rời EU bằng mọi giá, kể cả một Brexit không thỏa thuận.
Cùng ngày, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ gây tác hại nặng nề cho kinh tế Anh cũng như vấn đề liên minh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland./.