Là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, trí thức của Việt Nam, nước Nga luôn có một vị trí đặc biệt với biết bao thế hệ người Việt, nhất là những người từng có khoảng thời gian dài học tập, công tác và gắn bó với Xứ sở Bạch dương.
Tình cảm đặc biệt thiêng liêng
Căn nhà giản dị, nơi vị Anh hùng của Việt Nam và Liên Xô Phạm Tuân sống, nằm ở một ngõ nhỏ của Hà Nội, trước có khoảng sân rợp bóng phong lan. Căn phòng khách rộng rãi treo hai tấm ảnh: một tấm ông chụp cùng nhà du hành vũ trụ Iktor Vassilyevich Gorbatko trước khi bay vào vũ trụ; một tấm ghi lại thời điểm ông vào nhà tù Hỏa Lò nói chuyện với viên phi công lái máy bay B52 của Mỹ bị ông bắn hạ trên bầu trời Hà Nội năm 1972.
Dù đã ở tuổi 70 nhưng phong thái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân vẫn rất nhanh nhẹn. Những câu chuyện ông kể về nước Nga Xô viết vẫn nóng hổi như mới xảy ra ngày hôm qua. Năm 1965, lần đầu tiên Phạm Tuân đặt chân tới Liên Xô sau khi trúng tuyển vào Quân chủng Không quân Việt Nam. Tuy nhiên, ngành ông được cử đi đào tạo lại là... thợ máy. Sau đó, vì những người trúng tuyển phi công bị loại quá nhiều do sức khỏe yếu, tâm lý kém... nên phải tổ chức thi tuyển lại. Và Phạm Tuân được tuyển chọn học phi công.
Thời gian Phạm Tuân học tập tại Liên Xô đang là thời kỳ đỉnh cao của phe Chủ nghĩa xã hội. Ông được tiếp xúc với những tiến bộ mới nhất của nền khoa học thế giới. Những kiến thức đó hoàn toàn mới lạ, khiến Phạm Tuân vô cùng choáng ngợp. Ông thực sự khao khát trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu.
Vị tướng hồi tưởng: “Nhìn những chiếc MiG-21 bay như xé toang bầu trời xanh, tôi thấy tâm hồn xao xuyến vô cùng và khao khát chỉ cần một lần được vào không trung."
Năm 1967, trở về nước, Phạm Tuân trở thành phi công lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc. Sau khi lập chiến công trở thành phi công bắn rơi máy bay B52 đầu tiên trên không và trở về an toàn, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin.
Chuyện Phạm Tuân trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam là một mối duyên lạ. Khi ấy, ở trong nước tổ chức tìm kiếm và tuyển phi công vũ trụ, có cả chuyên gia của Liên Xô sang tuyển. Kế hoạch lấy 4 người nhưng tuyển cả nước chỉ chọn được 3. Chuyên gia Liên Xô đề xuất sơ tuyển các phi công Việt Nam đang học tập tại Liên Xô để chọn thêm một người.
"Có 5 người dự tuyển và mình lại được chọn," Phạm Tuân kể lại.
Ngày 23/7/1980, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baukonur trên tàu Soyuz 37 và trở về Trái Đất vào ngày 31/7. Toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Ông cũng tiến hành các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu. Phạm Tuân đã thực hiện tổng cộng bay 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất.
Nhớ lại thời khắc tươi đẹp ấy, Phạm Tuân cho biết người ta nói phi công Việt Nam rất bình tĩnh, ngồi trên con tàu chuẩn bị phóng mà mạch đập, huyết áp gần như bình thường. Họ hỏi tại sao, tôi trả lời: “Tôi thấy bình thường lắm, chiến đấu qua rồi, bao nguy hiểm trải qua rồi nên tất cả rất bình thường."
Thậm chí, đêm trước chuyến bay, Phạm Tuân vẫn ngủ... ngon lành. Trong khi đó, người đồng hành Gorbatko không ngủ được, sang gõ cửa thấy ông vẫn ngủ đã rất ngạc nhiên nói: “Tôi bay lần thứ 3 còn khó ngủ mà sao ông chả thấy gì cả”. Phạm Tuân trả lời: “Lúc trực chiến ngồi buồng lái, tôi còn ngủ được."
Sau chuyến bay lịch sử vào không gian, nước Nga càng thêm gắn bó sâu sắc với Phạm Tuân. Ông trở thành công dân danh dự của nhiều thành phố của Nga. Trong quá trình công tác sau này, Phạm Tuân còn có rất nhiều dịp trở lại nước Nga và làm việc với những người bạn Nga. Bởi thế, nước Nga trong ông là một tình cảm đặc biệt thiêng liêng. Tình cảm ấy đã vượt ra khỏi ranh giới của một chuyến du hành vũ trụ, của một người Việt được đào tạo tại cái nôi của Chủ nghĩa xã hội.
Nước Nga luôn dành sự giúp đỡ chí tình cho Việt Nam
Dù những năm tháng gắn bó với nước Nga đã lùi xa nhưng tiến sỹ Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cựu nghiên cứu sinh tại Liên Xô vẫn vẹn nguyên tình cảm dành cho đất nước mà bà coi như quê hương thứ hai của mình. Nước Nga đối với bà không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu mà còn là nơi có những người bạn, người thầy với sự giúp đỡ chí tình dành cho bà và cho Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tình sinh năm 1951 tại xã Minh Nông (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tốt nghiệp phổ thông, bà theo học tại trường Học viện An ninh. Năm 1970, khi Nhà nước có chủ trương chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà là một trong số ít sinh viên được chọn cử sang học tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) để chuẩn bị đội ngũ cán bộ, chuyên viên cho Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, thuộc Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Sau 5 năm công tác tại Ban, năm 1979, bà được cử đi học nghiên cứu sinh ngành Lịch sử tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov.
Sau khi kết thúc khóa nghiên cứu sinh, trở về Việt Nam tiếp tục công tác tại Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Tình vẫn có cơ hội nhiều lần trở lại nước Nga trong vai trò là cán bộ đi học tập kinh nghiệm xây dựng các bảo tàng của nước bạn để trở về vận dụng cho quá trình hoàn thiện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bà Tình chia sẻ công trình có thể coi là một món quà lớn mà Nhà nước, nhân dân Liên Xô tặng Việt Nam, từ việc hỗ trợ kinh phí xây dựng đến những giúp đỡ về tư vấn thiết kế, mỹ thuật, sưu tầm, trình bày, bảo quản tư liệu, hiện vật... Ấn tượng sâu sắc nhất với bà là những người bạn Nga luôn coi việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh là một công việc chung của hai nước, không nề hà bất cứ khó khăn nào để giúp đỡ cho cá nhân bà cũng như cho Việt Nam.
Bà được các chuyên viên, kỹ sư Liên Xô đưa đi thăm bảo tàng ở các thành phố, các khu lưu niệm, hướng dẫn cách trưng bày, giới thiệu ở bảo tàng sao cho khoa học, hợp lý và đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như tính chất trang nghiêm.
Quá trình công tác cũng tạo cho bà điều kiện được đi rất nhiều nơi như thành phố Saint Petersburg, Điện Smolny - nơi Lenin từng làm việc, lên chiến hạm Rạng Đông trên sông Neva, Điện Kremlin... Những dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, hàng ngàn cựu chiến binh đeo những tấm huân chương được trao trong cuộc chiến tranh vệ quốc, kiêu hãnh diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Thế hệ trẻ Liên Xô không giấu được sự hứng khởi đối với dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc và niềm tự hào vì những gì mà cha ông đã đem lại cho họ.
[100 năm Cách mạng tháng Mười: Bài học lịch sử để người Nga đoàn kết]
Bà Tình tâm sự, sau này bà đã có dịp đi rất nhiều quốc qua trên thế giới, từ châu Âu tới châu Mỹ, nhưng cảnh đẹp của bất cứ nơi nào đều không đem lại cho bà cảm nhận về sự hùng vĩ, tráng lệ mà thân thương, chứa chan cảm xúc như thiên nhiên đất nước Nga; gần gũi như con người Nga đôn hậu, nhiệt thành.
Với gần 40 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có 8 năm trên cương vị Giám đốc Bảo tàng, là người trực tiếp đặt nền móng cho việc xây dựng công trình từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Tình có một mối liên kết đặc biệt với ngôi nhà thứ hai này. Từng viên gạch, bức tường, gian bày trí không chỉ gắn với tâm huyết của cả một đời làm việc mà còn thấm đẫm tình cảm, sự giúp đỡ chí tình của những người bạn, người đồng chí Nga. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn quay trở lại nước Nga thêm vài lần để tới thăm bà giáo già ngày xưa, tới núi Lenin, đi dạo vòng quanh trường đại học cũ hồi tưởng lại kỷ niệm trong những năm tháng sống tại Liên Xô.
Bà Nguyễn Thị Tình tâm sự, nước Nga đã cho bà những kiến thức, cách nhìn nhận vấn đề nền tảng, cơ bản; cách nghiên cứu khoa học để áp dụng trong quá trình học tập, công tác cũng như trong cuộc sống. Đó là những phương pháp, giá trị quý báu trong kho tàng kiến thức vô tận của Nga mà bà luôn trân trọng và biết ơn trong suốt cuộc đời mình.
Giữ trọn tình yêu với nước Nga
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga, Tổng Biên tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng Ban Biên tập tin Thế giới, Thông tấn xã Việt Nam là du học sinh Liên Xô từ năm 1971-1977. Sinh năm 1953, sau khi học xong lớp 10 (tương đương với lớp 12 hiện nay), cậu học trò Nguyễn Đăng Phát khi ấy là một trong 4 học sinh được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chọn cử đi học trọn khóa Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov.
Như phần nhiều các du học sinh khác, nhà báo Nguyễn Đăng Phát phải đối diện với những khó khăn của những ngày đầu xa quê hương: nỗi nhớ nhà, thói quen, phong tục ở một vùng đất mới, thời tiết khí hậu ảnh hưởng tới sinh hoạt… Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bạn bè, giảng viên Liên Xô, ông đã khắc phục được những khác biệt về cuộc sống và văn hóa để hoàn thành tốt quá trình học tập.
Chia sẻ cảm nhận về con người và nhịp sống ở Nga, nhà báo Nguyễn Đăng Phát cho rằng sự tốt bụng, chất phác và hiền hòa là những nét tiêu biểu cho đặc trưng tính cách Nga. Ông luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình, chia sẻ ở bất cứ nơi đâu, từ trường học tới ký túc xá hay ở chỗ làm thêm; từ người lao công quét dọn tới thầy giáo chủ nhiệm khoa... Người dân Liên Xô thời điểm đó hầu như ai cũng biết về Việt Nam. Họ đọc tin tức về tình hình chiến sự ở Việt Nam hàng ngày, coi những sinh viên Việt Nam như người thân trong gia đình.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát không thể nào quên lần đầu tiên được tham gia diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ngày 7/11/1971. Ông cùng với các bạn trong khóa đại diện cho nhóm sinh viên nước ngoài thuộc Khoa dự bị của trường Đại học Lomonosov.
Ông hồi tưởng: "Chúng tôi lên ôtô và được xe chở tới tập kết tại một khu vực gần quảng trường. Thời tiết rất lạnh nhưng không làm vơi đi sự hào hứng xen lẫn hồi hộp của các tân sinh viên khi được tham dự một sự kiện trọng đại. Sau lễ duyệt binh là phần tuần hành của khối quần chúng, tất cả mọi người đều cầm hoa hoặc những băng rôn, biểu ngữ mang dòng chữ mang ý nghĩa: “Chủ nghĩa cộng sản nhất định thắng,” “Cuộc Cách mạng Tháng Mười muôn năm,"“Liên bang Xô Viết muôn năm"...
Bao trùm lên cả khu vực Quảng trường Đỏ rộng lớn là không khí vừa hào hùng, hoành tráng, vừa trang nghiêm, xúc động. Đối với cá nhân nhà báo Nguyễn Đăng Phát, đó là sự vinh dự không dễ gì có được và là kỷ niệm ông luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời mình, ghi dấu ấn trong ông hình ảnh về một đất nước anh hùng, quật cường, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
Kết thúc khóa học trở về, ông trở thành biên tập viên tiếng Nga tại Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng mối duyên với nước Nga chưa kết thúc khi nhà báo Nguyễn Đăng Phát còn có hai nhiệm kỳ làm phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Moskva. Ông có nhiều năm công tác trên cương vị Trưởng Ban Biên tập tin Thế giới và Trưởng Ban Biên tập tin Kinh tế cho tới khi nghỉ hưu. Hiện ông là Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga và vẫn tiếp tục giữ tình yêu với nước Nga cũng như niềm đam mê với báo chí trong vai trò là Tổng biên tập Tạp chí của Hội./.