Anh kêu gọi Iran hợp tác trong đàm phán khôi phục JCPOA

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, Ngoại trưởng Liz Truss nêu rõ: "Đây thực sự là cơ hội cuối cùng để Iran chấp nhận (JCPOA)."
Anh kêu gọi Iran hợp tác trong đàm phán khôi phục JCPOA ảnh 1Ngoại trưởng Anh Liz Truss. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 8/12, Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, cho rằng đây là "cơ hội cuối cùng" để Tehran làm việc này. Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), dự kiến sẽ được nối lại tại Vienna (Áo).

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, Ngoại trưởng Liz Truss nêu rõ: "Đây thực sự là cơ hội cuối cùng để Iran chấp nhận (JCPOA) và tôi mạnh mẽ hối thúc họ làm việc này bởi chúng tôi quyết tâm phối hợp với các đồng minh nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân." Bà nhấn mạnh Iran cần tiếp tục thực hiện những cam kết trong JCPOA vì Tehran sẽ có lợi khi làm điều này.

Vòng đàm phán thứ 7 về khôi phục JCPOA sẽ diễn ra ngày 9/12, theo nhất trí giữa Trưởng đoàn đàm phán của Iran Ali Bagheri Kani và Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc chính trị của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Enrique Mora trong cuộc điện đàm ngày 6/12.

Tham dự có các đoàn đàm phán từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, trong khi phái đoàn Mỹ tham dự gián tiếp thông qua sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Trong một thông điệp trên Telegram, ông Kani nhấn mạnh "chúng tôi sẽ tiếp tục con đường ngoại giao và đàm phán tại Vienna trên cơ sở thương thảo và hiểu biết," đồng thời khẳng định các đại diện Iran nghiêm túc hướng tới một thỏa thuận tốt đẹp và toàn diện.

[Đức hy vọng Iran đưa ra đề xuất thực tế trong đàm phán khôi phục JCPOA]

Ngay trước vòng đàm phán, ngày 7/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt đối với 15 cá nhân và 4 thực thể tại Iran, Syria và Uganda. Phản ứng trước việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ sẽ không mang lại cho Washington lợi thế, cũng như “hoàn toàn không thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí” trong mối quan hệ với Tehran.

JCPOA được ký năm 2015, theo đó yêu cầu Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đồng thời yêu cầu đàm phán lại về những điều khoản mà Washington cho là lỏng lẻo.

Tehran không chấp nhận yêu cầu này và Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Phía Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại. Trong vòng đàm phán mới, phía Iran ưu tiên việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước, trong khi phía Mỹ đặt lên hàng đầu yêu cầu Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.