Sau hơn 4 thập kỷ đóng cửa các khu căn cứ quân sự tại "phía Đông của kênh đào Suez," London đã quyết định tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Vịnh và châu Á như một minh chứng cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các khu vực này trên thế giới.
Tờ Financial Times ngày 23/12 nhận định việc Anh nối lại hiện diện quân sự tại các khu vực nói trên phản ánh chính sách ngoại giao của London chú trọng đến châu Á và vùng Vịnh. Điều này được thể hiện bằng chuyến công du nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại lần đầu tiên của Thủ tướng Anh Theresa May đến Ấn Độ.
Tiếp đó, trong chuyến thăm Bahrain vừa qua, bà Theresa May cũng đã cam kết đẩy mạnh hợp tác an ninh với các nước vùng Vịnh.
Ngoài việc mở lại các khu căn cứ hỗ trợ hải quân tại Bahrain, tạo sự hiện diện thường trú của cơ quan quân sự tại Oman, Anh cũng mở mới các cơ quan tùy viên quân sự tại Dubai và Singapore.
Năm 2016, các máy bay tiêm kích không quân Hoàng Gia Anh đã cùng phối hợp tập luyện với máy bay quân sự của Nhật, đánh dấu việc lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, không quân Nhật phối hợp luyện tập với một nước khác ngoài Mỹ.
Giám đốc điều hành Cơ quan nghiên cứu an ninh khu vực đóng tại Singapore (IISS-Asia), Tim Huxley nhận định việc tăng cường tham gia các hoạt động diễn tập chung cũng như việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Anh tại hai khu vực nói trên cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Theresa May mong muốn thúc đẩy vai trò quốc phòng của Anh trên toàn thế giới thay vì chỉ bó hẹp trong châu Âu.
Anh rút lại sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á vào những năm 1970 khiến Thủ tướng Singapore tại thời điểm này là ông Lý Quang Diệu đã phải chuyển hướng đẩy mạnh tự lực tự cường về quốc phòng.
Khi đó, Singapore đã tăng ngân sách quốc phòng lên gấp 3 lần, đồng thời ký 5 thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Anh, Malaysia, Australia và New Zealand.
Singapore hiện là nước có lực lượng quân sự được trang bị vũ khí tối tân nhất tại Đông Nam Á./.