Anh xem xét thương vụ Microsoft mua Activision đến cuối tháng 8

Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh Anh quyết định kéo dài thời gian để đưa ra quyết định về thương vụ Microsoft thâu tóm Activision thêm sáu tuần đến ngày 29/8.
Anh xem xét thương vụ Microsoft mua Activision đến cuối tháng 8 ảnh 1Trụ sở Microsoft tại Issy-Les-Moulineaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh Anh (CMA) ngày 14/7 đã gia hạn đến ngày 29/8 cho thỏa thuận Microsoft mua lại công ty đã làm nên tựa game “Call of Duty” Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD, sau khi cơ quan này một đề xuất mới từ Microsoft.

CMA là cơ quan quản lý lớn đầu tiên chặn thương vụ thâu tóm này vào tháng Tư. Nhưng đến ngày 12/7, CMA cho biết một thỏa thuận đã được tái cơ cấu giữa Microsoft và Activision có thể giải quyết được những lo ngại của cơ quan này và sẽ trải qua một cuộc điều tra mới.

Mới đây, CMA đã quyết định kéo dài thời gian để đưa ra quyết định về thương vụ trên thêm sáu tuần đến ngày 29/8.

Liên quan đến thương vụ này, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) ngày 13/4 vẫn đang nỗ lực ngăn chặn Microsoft thâu tóm Activision Blizzard bằng cách yêu cầu Tòa Kháng cáo Khu vực số chín của Mỹ “dừng tạm thời” quá trình thực hiện thỏa thuận trên.

[Microsoft nhận phán quyết có lợi cho vụ mua lại Activision Blizzard]

Trước đó, ngày 11/7, thẩm phán Jacqueline Scott Corley ở San Francisco đã bác bỏ lập luận của các cơ quan chống độc quyền thuộc Chính phủ Mỹ rằng thương vụ này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng khi trao cho Microsoft - nhà sản xuất máy chơi trò chơi video Xbox - quyền truy cập độc quyền các trò chơi, bao gồm trò chơi "ăn khách" như "Call of Duty", "World of Warcraft," "Diablo" và trò chơi điện tử trên nền tảng điện thoại di động "Candy Crush Saga."

Nữ thẩm phán nói trên cho biết FTC chưa đủ cơ sở để tranh luận rằng một thương vụ sáp nhập có thể làm giảm cạnh tranh và FTC cần phải chứng minh được rằng việc Microsoft sở hữu nội dung của Activision sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong thị trường trò chơi điện tử nền tảng đám mây.

Đây là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước tới nay của Microsoft và trong lịch sử ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Để giải quyết lo ngại của FTC, Microsoft đã đồng ý cấp phép cùng truy cập “Call of Duty” cho các đối thủ, bao gồm hợp đồng 10 năm với Nintendo, tùy thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận mua lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.