ANZ: Giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong ba năm qua

Trong phiên giao dịch chiều ngày 24/4, giá dầu Brent trên thị trường châu Á tiếp tục duy trì trên ngưỡng 75 USD/thùng và có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
ANZ: Giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong ba năm qua ảnh 1Một trạm bơm xăng ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN.)

Trong phiên giao dịch chiều ngày 24/4, giá dầu Brent trên thị trường châu Á tiếp tục duy trì trên ngưỡng 75 USD/thùng và có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, trong bối cảnh thị trường nhận định nguồn cung sẽ thu hẹp khi nhu cầu “vàng đen” tăng cao kỷ lục.

Cụ thể, trên sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 14 giờ 8 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 36 xu Mỹ, hay 0,5% lên 75,07 USD/thùng.

Giá mặt hàng này đã có thời điểm chạm mức 75,27 USD/thùng -  mức cao nhất kể từ phiên 27/11/2014.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến thêm 53 xu Mỹ, hay 0,8% và được giao dịch ở mức 69,17 USD/thùng. Trong phiên 19/4, giá dầu WTI cũng vọt lên 69,56 USD/thùng - mức cao nhất kể từ phiên 28/11/2014.

Đà tăng liên tục của giá dầu Brent trong suốt sáu phiên vừa qua là dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, với giá mặt hàng này tăng hơn 20% so với mức thấp nhất từ đầu năm đến nay được xác lập hồi tháng 2/2018.

Thị trường dầu mỏ đã khởi sắc nhờ quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Theo giới quan sát, khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran cũng tác động có lợi đối với giá dầu.

Ngày 12/5 là hạn chót để Mỹ quyết định liệu nước này có từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba OPEC này hay không. Kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.

Ngân hàng ANZ nhận xét giá dầu thô hiện đang ở mức cao nhất trong ba năm qua, phản ánh những lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông – nơi cung cấp gần một nửa nguồn cung “vàng đen” trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.