Áo quyết định đẩy nhanh xét đơn tị nạn ngay tại biên giới

Chính phủ Áo muốn hạn chế số người tị nạn vào nước này bằng cách đẩy nhanh giải quyết hồ sơ người tị nạn ngay tại khu vực biên giới.
Áo quyết định đẩy nhanh xét đơn tị nạn ngay tại biên giới ảnh 1Người tị nạn Syria. (Nguồn: faithit.com)

Sau khi mức trần tiếp nhận người tị nạn bị coi là vi phạm luật của châu Âu, Áo giờ đây muốn hạn chế số người tị nạn vào nước này bằng cách đẩy nhanh giải quyết hồ sơ người tị nạn ngay tại biên giới.

Phát biểu tại thủ đô Vienna ngày 30/3, Bộ trưởng Nội vụ Johanna Mikl-Leitner và Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans Peter Doskozil cho biết, biện pháp đẩy nhanh xử lý hồ sơ người tị nạn chỉ trong vài giờ ở biên giới sẽ giúp Áo hạn chế được số lượng người tị nạn đổ vào nước này.

Biện pháp mới này sẽ được áp dụng từ giữa tháng 5 tới nhằm ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng tới "trật tự và ổn định" của đất nước. Tại biên giới, người tị nạn sẽ phải nêu lý do thuyết phục chống lại nguy cơ bị trục xuất, theo đó chỉ có các trường hợp đoàn tụ gia đình hoặc bị truy bức mới được chấp thuận tị nạn.

Theo bà Mikl-Leitner, Áo sẽ chỉ chấp thuận các đơn tị nạn theo Điều 8 Công ước châu Âu về Nhân quyền. Các trường hợp bị bác đơn sẽ lập tức không được vào đất Áo. Đây được xem là phản ứng của Áo đối với một đánh giá cho rằng việc Vienna áp đặt mức hạn trần tiếp nhận 37.500 người tị nạn trong năm nay là không phù hợp về mặt pháp lý.

Cùng với biện pháp trên, Áo cũng sẽ đẩy mạnh bảo vệ khu vực biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Brenner tiếp giáp với Italy trong bối cảnh đang có rất nhiều người di cư vượt Địa Trung Hải để vào Italy sau khi tuyến lộ trình Balkan bị đóng lại.

Theo hãng thông tấn ANSA, chỉ trong ba tháng đầu năm đã có 16.000 người tị nạn vào nước này, cao hơn 6.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2015, Áo là một trong những đích đến quan trọng nhất của người di cư và tị nạn. Tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có 14.000 đơn xin tị nạn ở Áo.

Thủ tướng Áo Werner Faymann đã nhiều lần yêu cầu Đức phải rõ ràng trong chính sách tị nạn, cho rằng Berlin có thể tiếp nhận người tị nạn từ đầu nguồn, trước khi họ phải nhập cư châu Âu bất hợp pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.