Áp thuế quan không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc

Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath khẳng định chính các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả của các mức thuế quan chứ không phải Trung Quốc.
Tàu chở hàng hóa từ các nước châu Á cập cảng Long Beach, bang California (Mỹ) ngày 1/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/8 cho rằng việc Mỹ áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không thể làm giảm thâm hụt thương mại của nước này.

Trong một bài viết, nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cùng các tác giả Gustavo Adler và Luis Cubeddu khẳng định chính các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả của các mức thuế quan chứ không phải Trung Quốc, đồng thời cho biết đồng USD mạnh hơn cho tới nay chỉ có tác động tối thiểu tới giá USD của các hóa đơn thanh toán bằng đồng USD cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

[Thương chiến' tác động tiêu cực tới ngoại thương của Trung Quốc]

Điều này khác với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc đang phải trả giá cho mức thuế quan cao “ngất ngưởng” và cáo buộc quốc gia này hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) nhằm giảm những tác động bất lợi của các mức thuế quan nói trên.

Các chuyên gia IMF cho biết mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc tăng khoảng 10 điểm phần trăm kể từ đầu năm 2018 và sẽ tăng thêm 5 điểm phần trăm nếu các mức thuế mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.

Trong khi đó, đồng NDT đã giảm khoảng 10% so với USD, chủ yếu do những hành động thương mại này và sự bất ổn kèm theo, và “sự linh hoạt” của đồng NDT cho phép Trung Quốc giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc thương mại.

Theo các chuyên gia IMF, các mức thuế quan cao hơn mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau sẽ không thể giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại vì chủ yếu sẽ làm chuyển hướng hoạt động thương mại của hai nước này sang các quốc gia khác.

Việc áp mức thuế quan cao hơn có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng như tăng trưởng kinh tế thế giới do làm suy giảm niềm tin kinh doanh, đầu tư và phá vỡ các chuỗi cung cấp toàn cầu, trong khi làm tăng chi phí đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn một năm qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/9 tới bất chấp những cảnh báo về những dấu hiệu cho thấy nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chững lại và có khả năng rơi vào suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục