APEC 2017: Cần xây dựng Chương trình hành động về phát triển bao trùm

Vấn đề phát triển bao trùm trở thành một nội dung thảo luận xuyên suốt tại các Ủy ban, Nhóm công tác APEC 2017, trên cả ba phương diện kinh tế, tài chính và xã hội.
APEC 2017: Cần xây dựng Chương trình hành động về phát triển bao trùm ảnh 1Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Họp báo thông báo kết quả Hội nghị SOM 3. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sau 13 ngày làm việc với gần 80 cuộc họp, Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan đã khép lại với buổi họp báo thông tin kết quả, diễn ra ngày 30/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, cho biết Hội nghị SOM 3 lần này diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%). Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với những kết quả nổi bật. Cụ thể, trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác APEC mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp. Theo đó, vấn đề phát triển bao trùm trở thành một nội dung thảo luận xuyên suốt tại các Ủy ban, Nhóm công tác APEC lần này, trên cả ba phương diện kinh tế, tài chính và xã hội.

Hội nghị SOM 3 tiếp tục khẳng định quyết tâm của các thành viên thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực thông qua thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, cùng với đó là trao đổi về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau 2020. Tăng cường liên kết tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng của khu vực. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại khu vực (RTA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA), APEC tiếp tục chú trọng việc chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển, trong việc đàm phán, ký kết và triển khai các RTA/FTA.

Bên cạnh đó, các quan chức cao cấp đã thông qua ba văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành, gồm khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; Bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II).

Hội nghị đã thảo luận việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các hoạt động cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới. Trong đó, chú trọng chương trình và nghị sự của các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao, nội dung và dự kiến các văn kiện sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và đệ trình Lãnh đạo; lịch gặp gỡ, tiếp xúc song phương trong dịp này.

[Bế mạc Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC 2017]

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về kết quả Hội thảo “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội,” một sáng kiến của Việt Nam, có đóng góp như thế nào với mục tiêu hướng tới xây dựng Cộng đồng APEC bao trùm vào năm 2025, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết lần đầu tiên trong APEC có một diễn đàn về phát triển bao trùm trên cả ba lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thể hiện sự hợp lực của APEC hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng APEC phát triển bền vững, bao trùm trong tương lai. Sự quan tâm của cộng đồng APEC đến nội dung phát triển bao trùm rất lớn và tham gia rất đông đảo.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Hội thảo đã đạt được những kết quả rất ý nghĩa, tạo nhận thức chung giữa các thành viên và các bên liên quan cần thiết có Chương trình hành động tổng thể của APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm tạo sự cộng hưởng, bổ trợ lẫn nhau; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong vấn đề tạo khuôn khổ pháp lý, xây dựng chính sách cho phát triển bao trùm hướng đến Chương trình hành động trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm phong phú, bao gồm các điển hình, chính sách, mô hình các tổ chức quốc tế, là cơ sở để các nền kinh tế thành viên hoàn thiện các hệ thống pháp lý, chính sách, trong đó có Việt Nam; nâng cao hiệu quả và tính đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển bao trùm. Từ đó tạo ra cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, các kiến nghị cụ thể đưa ra bao gồm trên ba lĩnh vực sẽ tạo động lực để các thành viên Diễn đàn APEC huy động các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững, bao trùm cả công cụ chính sách về tài chính, chính sách xã hội, kinh tế. Hội thảo cũng tạo ra cơ sở rất tốt để hoàn thiện sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội.

Về khuyến nghị đối với lãnh đạo APEC, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), cho biết ABAC đưa ra 20 khuyến nghị của các doanh nghiệp APEC đến các nhà lãnh đạo APEC, tập trung vào bốn lĩnh vực là hội nhập kinh tế khu vực; kết nối khu vực, thể chế, hạ tầng, con người; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế; phát triển bền vững.

Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC coi việc phát triển bền vững và phát triển toàn cầu hóa thông qua phát huy, phát triển khoa học công nghệ và phát triển xã hội. Trong đó, nêu cao mối quan tâm đến việc tăng cường Internet, tăng cường kết nối công nghệ; đánh giá cao về tầm quan trọng việc phát triển và đầu tư hạ tầng kỹ thuật số; khuyến khích những quy định, sáng kiến bền vững bao gồm di chuyển hệ thống dữ liệu qua biên giới trong khu vực và đặc biệt là đầu tư vào năng lượng và hệ thống giáo dục.

Các doanh nghiệp APEC cũng bày tỏ quan tâm khuyến nghị cải cách thể chế, chính sách có tác động đến khoa học kỹ thuật và kinh tế số liên quan đến phát triển doanh nghiệp. Khuyến nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC thực hiện mô hình các tiêu chuẩn về số liệu kỹ thuật số của Nhật Bản thông qua phát triển nhu cầu chung trong kỹ thuật số của khu vực; xem xét các nhân tố sẵn sàng áp dụng cách mạng kỹ thuật số cho tương lai; quan tâm đến các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam để làm sao thu hẹp khoảng cách các nền kinh tế đã phát triển và các nền kinh tế phát triển công nghệ số.

Đánh giá về tình hình doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập và công nghệ số, ông Hoàng Văn Dũng cho rằng hiện nay 90% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ, yếu về sức cạnh tranh và tính công nghệ thấp. Vì thế, để đứng vững trước sức ép của sự cạnh tranh thời mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới, cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với sự phân công của khu vực và thế giới.

Ông Dũng nhận định các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để nhanh chóng rút ngắn sự chênh lệch, tập trung đào tạo nhân lực có trình độ và cũng rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ tạo ra chính sách, cơ chế phát lý cho doanh nghiệp phát triển và gia tăng sức cạnh tranh.

Cũng tại buổi họp báo, tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, chia sẻ năm 2017 có nhiều thách thức như chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ… Tuy nhiên, APEC tổ chức tại Việt Nam đã và sẽ mang đến những kết quả cụ thể. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, nhất là từ các nhóm, ủy ban… Việt Nam cố gắng để hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor và cũng có những bước đi mạnh mẽ, trong đó tập trung vào những nội dung sẽ thực hiện sau năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục