Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội tạo lợi ích cho đất nước

APEC 2017: Cơ hội hợp tác cho các nền kinh tế thành viên

Theo tiến sỹ Arisman, tiến trình nỗ lực tự do hóa mở cửa thương mại, đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực... đang đối mặt với những khó khăn nhất định trong hoàn thành các mục tiêu Bogor....
APEC 2017: Cơ hội hợp tác cho các nền kinh tế thành viên ảnh 1Tiến sỹ Arisman. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là một khuôn khổ hợp tác, trong đó tập trung nhiều nội dung kinh tế, thương mại, là nơi khởi đầu của hơn một nửa hiệp định thương mại trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nền kinh tế thành viên.

Nhân sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Arisman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Jakarta, về vấn đề này.

Tiến sỹ Arisman đánh giá các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực tự do hóa và mở cửa thương mại, đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.

Tuy nhiên, ông cho rằng tiến trình này đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư do có sự chệnh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa một số nền kinh tế thành viên.

Do đó, từng nền kinh tế phải xác định đâu là thế mạnh của mình trong tiến trình hợp tác này để tìm ra các phương cách đầu tư, phát triển phù hợp.

[Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 29]

Bên cạnh đó, việc tự do hóa thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, cũng tạo ra những thách thức nhất định cho một số nền kinh tế thành viên, trong đó có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Vì vậy, các nền kinh tế này cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là vấn đề pháp lý, để có thể chủ động tham gia vào tiến trình này.

Tiến sỹ Arisman cũng cho rằng Indonesia hay Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội lớn để thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình để có thể hưởng lợi từ quá trình này.

Đặc biệt khi các nền kinh tế sở hữu một lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công hợp lý, kinh tế xã hội đang có sự chuyển biển tích cực để phục vụ hội nhập phát triển.

Ông khuyến cáo các doanh nghiệp nội địa cần phải chuẩn bị tâm lý tốt cũng như kiến thức về luật pháp quốc tế để tham gia và cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế khác nếu không muốn bị thua ngay trên sân nhà và thị trường bị các doanh nghiệp bên ngoài thao túng.

Tiến sỹ Arisman đánh giá cao công tác chuẩn bị cho APEC 2017 của nước chủ nhà Việt Nam.

Ông cho rằng sự kiện là cơ hội để Việt Nam quảng bá, nâng cao hình ảnh của mình, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Tiến sỹ Arisman nhận định, Việt Nam là mô hình phát triển thành công, đặc biệt có sự phát triển kinh tế với mức cao trong nhiều năm liền, đã có sự cải tổ, thay đổi tích cực để thu hút đầu tư. 

Ông cũng đánh giá Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội để mang lại lợi ích cho đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.