APEC 2017: Giới chuyên gia nhấn mạnh giá trị của tự do thương mại

Giới chuyên gia quốc tế nhận định Diễn đàn APEC sẽ và cần đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đảm bảo một hệ thống thương mại thế giới cởi mở, tự do và công bằng.
Một cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản ngày 17/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh thương mại thế giới đang đứng trước những thách thức do sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ, giới chuyên gia quốc tế nhận định Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á​-Thái Bình Dương (APEC) sẽ và cần đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đảm bảo một hệ thống thương mại thế giới cởi mở, tự do và công bằng.

Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC, sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, chuyên gia kinh tế Jayant Menon của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh APEC đã trở thành một chuẩn mực để các nền kinh tế thành viên theo đuổi "chủ nghĩa khu vực mở" - nguyên tắc bất biến của APEC kể từ khi ra đời vào năm 1989, theo đó đặt mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế nội khối trong khi chú trọng duy trì thị trường mở cửa với bên ngoài.

Trong bối cảnh xu thế chống lại toàn cầu hóa đang có chiều hướng gia tăng, cùng với những áp lực từ chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới, APEC cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo duy trì sự cởi mở và tự do của hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo ông Menon, trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nguy cơ "chết yểu" sau sự rút lui của Mỹ, mọi sự chú ý đã đổ dồn sang tương lai của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại quy mô lớn mà 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại kỳ vọng sẽ đạt được trong vài năm tới.

Một khi RCEP được thành lập, bước tiếp theo sẽ là mở rộng hiệp định này hướng đến sự hội nhập lớn hơn kinh tế khu vực thông qua Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) bao gồm 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Tuy nhiên, chuyên gia Menon cảnh báo hàng rào phi thuế quan có thể gây trở ngại đối với những nỗ lực hội nhập của các nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh cần từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế.

['Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là trung tâm kinh tế toàn cầu']

Ông Sergio Ley López, Chủ tịch Ủy ban châu Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về ngoại thương, đầu tư và công nghệ (COMCE), đánh giá cao vai trò của APEC trong việc thúc đẩy và xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực đa tầng nấc, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.

Chủ tịch López nhận định trục hội nhập kinh tế quan trọng của thế giới sẽ là Đại Tây Dương-Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên APEC đang trên đường hướng tới hình thành một cộng đồng kinh tế quan trọng nhất thế giới.

Một trong những thành tựu của APEC trong suốt quá trình kể từ khi thành lập đến nay là hội tụ được những nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, qua đó xây dựng một cơ chế hội nhập và hợp tác đa tầng nấc.

Mặt khác, một nhân tố quan trọng của APEC cần phải đề cập đến là việc đưa ra các sáng kiến và khuyến cáo phát triển tổng thể giúp các nền kinh tế thành viên hoạch định chính sách phát triển của mình, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực.

Quan chức thương mại Mexico cho rằng cấu trúc và các cơ chế hợp tác của APEC chính là một “liều thuốc giải” tốt nhất đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, hiện đang nổi lên ở một số nền kinh tế.

Ông khẳng định chủ nghĩa bảo hộ sẽ không có tương lai, vì tương lai của thế giới là toàn cầu hóa không thể đảo ngược.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng mối quan tâm lớn đối với hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC là làm thế nào để đạt mục tiêu đẩy mạnh tự do thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua FTAAP, khi mà xu thế chống toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.

Theo ông, các nền kinh tế thành viên APEC cần cam kết thực hiện Tuyên bố Lima về FTAAP bằng cách phát triển các kế hoạch làm việc trong nhiều năm và đặt ra những mốc thời gian quan trọng.

Giáo sư Thayer nhận định những thách thức lớn đối với xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế là tâm lý ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở các nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp và sự “đề kháng” trước các tiêu chuẩn mới và cao hơn như được thể hiện trong TPP trước đây.

Theo Giáo sư, các nền kinh tế thành viên APEC cần ủng hộ hoàn toàn Hiệp định tạo điều kiện cho thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giảm các chi phí bằng cách cải thiện các chức năng của chuỗi cung ứng toàn cầu và loại bỏ các rào cản phi thương mại.

Về điểm này, Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị tại Đại học Meji, cho rằng rất nhiều thách thức cũng như cơ hội thương mại đã xuất hiện trong thế kỷ 21. Có những lĩnh vực sẽ phát triển, có những lĩnh vực dần mất đi và vấn đề là cần tập trung vào nhóm có khả năng tăng trưởng.

Theo ông, việc mỗi nền kinh tế quyết định lựa chọn lĩnh vực nào cần tập trung là điều không dễ dàng và việc các nền kinh tế cùng chọn một lĩnh vực để phát triển cũng sẽ làm nảy sinh cạnh tranh.

Vì vậy, mục tiêu đầu tiên của APEC là thương mại quốc tế trên toàn thế giới hướng đến mục tiêu tự do hóa để phát triển kinh tế toàn cầu dựa trên những chính sách phù hợp.

Đánh giá về vai trò của APEC, với tư cách là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng, Giáo sư Go Ito cho rằng về cơ bản, vai trò của APEC là đề cao tự do mậu dịch và thúc đẩy xu hướng này.

Bản chất lịch sử của loài người là thông qua trao đổi hàng hóa, cùng nhau thịnh vượng để phát triển, do đó, ý nghĩa của APEC hoàn toàn không bị suy giảm.

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Yeah Kim Leng​ thuộc Đại học Sunway (Malaysia), nhấn mạnh rằng để đảm bảo dòng chảy thương mại cũng như toàn cầu hóa, điều quan trọng là cần phải duy trì tự do thương mại.

Thực tế rõ ràng là các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, thực sự được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, APEC năm nay càng có vai trò quan trọng.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng với cương vị nước chủ nhà của Việt Nam, ý tưởng về tự do hóa thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ được hồi sinh, thậm chí được các chính phủ quan tâm hơn, nhằm phá bỏ các rào cản thương mại và khuyến khích các dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Giáo sư Yeah Kim Leng cũng cho rằng APEC cần có những thay đổi về chính sách để thúc đẩy thực thi mạnh mẽ hơn các sáng kiến, thay vì cơ chế hoạt động dựa nhiều vào sự tự nguyện như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ hàng rào phi thuế quan cũng như việc tự do hóa thương mại mạnh mẽ hơn là những nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy mạnh hơn đầu tư nội khối giữa các nền kinh tế thành viên.

Kể từ khi thành lập, APEC đã trở thành một không gian thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc tăng cường tự do thương mại và đầu tư - những trụ cột của APEC - đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện các chỉ số kinh tế, xã hội của các nền kinh tế.

Các cơ chế mở cửa tự nguyện, đặc trưng cho APEC, đã có một lộ trình tuyệt vời và đạt được những kết quả to lớn, theo đó trao đổi thương mại nội khối tăng gấp 7 lần.

Các nỗ lực liên tục của APEC đã góp phần thúc đẩy một khu vực châu Á​-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay.

Đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.

Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện "Mục tiêu Bogor" về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á-Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994.

Thế giới chờ đợi Hội nghị Cấp cao APEC sắp tới tại Việt Nam sẽ thông qua "Tầm nhìn sau 2020," hướng dẫn định hướng tương lai của APEC và khẳng định vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết những thách thức chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục