APEC định hình xu thế tự do hóa của thương mại toàn cầu

Một trong những vấn đề thách thức lớn nhất tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 là sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch và các biện pháp phi thuế quan có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
APEC định hình xu thế tự do hóa của thương mại toàn cầu ảnh 1 Panô chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 trên các tuyến đường ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới cùng nhiều nền kinh tế phát triển năng động đang là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.

Đến nay, APEC đã thành công trong việc đề ra được "chương trình hành động" chung của tổ chức và "chương trình hành động" riêng lẻ của từng nền kinh tế thành viên, tiến tới tự do hóa thương mại và đầu tư trong từng nền kinh tế thành viên nhằm đạt mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực vào năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp khó khăn và thử thách.

Một trong những vấn đề thách thức lớn nhất tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 là sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch và các biện pháp phi thuế quan có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ đang trở thành rào cản đối với quá trình tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực. Nó đi ngược với tinh thần cốt lõi của APEC, đó là giương cao ngọn cờ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù kinh tế toàn cầu và khu vực APEC vẫn có xu hướng tăng trưởng nhưng trong dài hạn sẽ vẫn thấp hơn các thập kỷ trước đây, xuất phát từ những cản trở do năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên khi rất nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau, như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay lao động nữ.

Bất bình đẳng gia tăng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, tạo áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tính đa dạng và phức tạp của khu vực với các nền kinh tế có cơ cấu cũng như trình độ phát triển rất khác nhau, kéo theo những ưu tiên phát triển kinh tế cũng như cách đề cập đối với các lĩnh vực hợp tác của các thành viên cũng khác nhau. Do tính chất không bắt buộc của các cam kết nên trong quá trình thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kỹ thuật, sẽ nảy sinh những khó khăn và bất đồng.

Các yếu tố phi kinh tế như văn hóa, lịch sử, môi trường, an ninh... cũng sẽ có những tác động nhất định đến hợp tác kinh tế giữa các thành viên, cũng như tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là các nền kinh tế thành viên phải nỗ lực hết sức để xây dựng lòng tin trong quá trình hợp tác và thực hiện các cải cách tự nguyện nhằm nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế và từng bước phá bỏ hàng rào quan thuế và phi thuế quan, tiến tới đạt được mục tiêu của Tuyên bố Bogor, cũng như triển khai Hiệp định Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) vào năm 2025.


[Thương mại tự do có lợi cho sự thịnh vượng của các nền kinh tế APEC]

Nếu những mục tiêu và kế hoạch của APEC được thực hiện thành công, nó không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế, biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn thành khu vực buôn bán và đầu tư tự do (vào năm 2020), thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa toán cầu, mà còn có ý nghĩa và tác động sâu sắc về chính trị, an ninh ở khu vực. Ngược lại, nếu quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong khuôn khổ APEC không tiến triển một cách suôn sẻ, thì có thể các khu vực mậu dịch tự do sẵn có ở khu vực như NAFTA hoặc Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (AFTA) sẽ mở rộng ra hoặc sáp nhập với nhau để thực hiện mục tiêu này.

Chẳng hạn, nếu không bằng lòng với quá trình tự do hóa trong APEC, Mỹ có thể sẽ mở rộng Khu vực Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ra bao gồm thêm một số nền kinh tế ở Đông Á, hoặc có thể NAFTA sẽ mở rộng ra các nước Nam Mỹ và sáp nhập với AFTA.

Nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một sự định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị cấp cao APEC 2017 chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên "xốc lại" tiến trình hợp tác để có hiệu quả và hiệu lực cao hơn. Với chủ đề của năm APEC 2017 “Tạo Động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” Hội nghị cấp cao sẽ tập trung vào những lợi ích của việc tự do hóa và phát triển thương mại dịch vụ cũng như giảm thiểu hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực thi là rất cần thiết. Dù Mỹ rút khỏi TPP là một đòn giáng mạnh vào chính sách tự do thương mại khu vực, nhưng APEC 2017 là dịp để 11 thành viên còn lại trong TPP có thể kết thúc đàm phán và cùng nhau nhất trí triển khai thỏa thuận thương mại này ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.

Ngoài TPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn là sáng kiến của các nước ASEAN và có 16 nước tham gia đàm phán, cũng đang trong giai đoạn nước rút. Khi hình thành, RCEP cũng sẽ là một hiệp định kinh tế mang tầm cỡ thế giới, với một khu vực chiếm một phần hai dân số, một phần ba tổng GDP và khoảng 30% giá trị thương mại của thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính đến năm 2025, RCEP sẽ giúp tăng thu nhập thêm khoảng 644 tỷ USD cho toàn khu vực, nhờ các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động giữa các nền kinh tế liên quan. TPP, RCEP - vốn được coi là hai “con đường thương mại” song song, đều tiến tới tự do hóa thương mại khu vực và là hướng đi đúng đắn cho hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Việc TPP 11 và RCEP đạt tiến triển tại APEC 2017 sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ, mang tính xây dựng tới thế giới. Nó cũng chứng minh rằng xu thế toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, tất nhiên với một số điều chỉnh vì nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia để phát triển không bao giờ mất đi, và APEC có thể phát huy vai trò của mình trong tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.