APEC 2017: Kết quả nổi bật ngày làm việc thứ tư Hội nghị SOM 1

Các đại biểu Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương bước vào ngày làm việc thứ tư với 9 cuộc họp trong khuôn khổ các nhóm công tác và tiểu ban.
APEC 2017: Kết quả nổi bật ngày làm việc thứ tư Hội nghị SOM 1 ảnh 1Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự cuộc họp SCCP chụp ảnh chung. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Các đại biểu Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương bước vào ngày làm việc thứ tư với 9 cuộc họp trong khuôn khổ các nhóm công tác và tiểu ban Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Diễn đàn Khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Luật và chính sách cạnh tranh (CPLG), Thủ tục hải quan (SCCP) , Chống khủng bố (CTWG) và Nhóm chuyên gia về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp (EGILAT).

Thảo luận các định hướng, ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực

Trong ngày làm việc hôm nay, Nhóm Phát triển nguồn nhân lực tổ chức đồng thời ba cuộc họp các mạng lưới về Nâng cao năng lực, Giáo dục và Bảo vệ người lao động. Các cuộc họp đã rà soát những kết quả đạt được trong năm 2016, đồng thời thảo luận và thống nhất các định hướng, ưu tiên hợp tác năm 2017, trong đó có việc triển khai Chiến lược giáo dục của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số vào tháng 5/2017 tại thành phố Hà Nội, cũng như Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 7 về phát triển nguồn nhân lực dự kiến vào năm 2018.

Phát biểu khai mạc cuộc họp Mạng lưới Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã khẳng định: "Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, từ đó nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới," đồng thời nêu bật những thành tựu về đổi mới giáo dục của Việt Nam thời gian qua.

Tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa

Tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Tiểu ban Thủ tục hải quan, các đại biểu tập trung thảo luận v iệc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO (TFA), t riển khai kết nối cơ chế một cửa, tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng, và phát triển chương trình Doanh nghiệp ưu tiên để tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đây là những nỗ lực cụ thể nhằm triển khai hợp tác thủ tục hải quan với mục tiêu tổng thể là cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã phát biểu khai mạc phiên họp, khẳng định hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ giúp hải quan Việt Nam xây dựng các sáng kiến, chương trình hành động mới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; góp phần cụ thể, thiết thực vào việc xây dựng chính phủ kiến tạo của Việt Nam.

Trong khi đó, cuộc họp Thủ tục hải quan đã tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy hài hòa các tiêu chuẩn của các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương với chuẩn mực quốc tế, trao đổi các điển hình phát triển hạ tầng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhất là các vấn đề thiết thực như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị thông minh.

Các đại biểu cũng trao đổi về hướng hợp tác trong việc xây dựng, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy thương mại, đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tham dự cuộc họp, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã có bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế trong việc định hướng, thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh.

Chia sẻ thông tin về các chính sách chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp

Cuộc họp Nhóm chuyên gia về chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp lần này có ý nghĩa quan trọng khi một số thành viên đang điều chỉnh hệ thống luật pháp liên quan đến tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.

Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin về các chính sách chống khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp; trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và tiêu dùng, giữa hộ nông dân trồng rừng với các tập đoàn đa quốc gia nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp. Hiện nay, các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đại diện khoảng 53% diện tích rừng, 60% tổng sản lượng gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, và 80% tổng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu.

Tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Hà đã khẳng định quyết tâm và những thành tựu của Việt Nam trong việc ngăn chặn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Kết quả nổi bật là độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% lên 40,84% trong giai đoạn 2000-2015, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam vào việc triển khai các mục tiêu lớn của nhân loại, trong đó có các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG).

Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu tham dự và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo "Vận dụng các đánh giá cạnh tranh nhằm loại bỏ rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ" của nhóm Luật và chính sách cạnh tranh, đồng thời tiếp tục cuộc họp Ủy ban chỉ đạo về hài hòa hóa quy định trong khuôn khổ Diễn đàn Khoa học đời sống và đổi mới.

Kết quả của các cuộc họp và hội thảo sẽ được báo cáo tại cuộc họp toàn thể của Luật và chính sách cạnh tranh và Diễn đàn Khoa học đời sống và đổi mới ngày 22/2.

Hôm nay cũng là ngày làm việc đầu tiên của Nhóm Chống khủng bố, với các nội dung mang tính định hướng cho hoạt động của Nhóm trong năm 2017, như xem xét kế hoạch 2017, đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch chiến lược Chống khủng bố giai đoạn 2013-2017...

Trong các cuộc họp ngày hôm nay, đại diện các bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam cũng tiếp tục tham gia đóng góp, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chống khai thác và buôn bán gỗ trái phép...

Song song với các hoạt động của Hội nghị quan chức cao cấp trong khuôn khổ các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang từ ngày 23-24/2/2017, ngày hôm nay cũng đã diễn ra Hội thảo "Chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục