Trong khuôn khổ các chuỗi sự kiện Năm APEC 2017, sáng 19/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Đối thoại công-tư APEC lần thứ ba về “Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và kết nối chuỗi cung ứng thông qua Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương” với sự tham gia của đại diện các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết sáng kiến về Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APMEN) được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 vào tháng 11/2014 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), với mục tiêu hình thành một mạng lưới thương mại, chuỗi cung ứng trong toàn khu vực, kết nối hai bên bờ Thái Bình Dương rộng lớn.
Sáng kiến về Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng tập trung xác định các giải pháp, tạo môi trường tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng thông qua hệ thống công nghệ thông tin, truyền thông.
Đây là sáng kiến đóng góp thiết thực cho ưu tiên về kết nối trong APEC, đặc biệt là việc tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực, đóng góp tích cực cho một trong những trụ cột quan trọng nhất của APEC là thuận lợi hóa thương mại.
Đối thoại công-tư APEC lần thứ ba về “Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và kết nối chuỗi cung ứng thông qua Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương” nhằm thảo luận về vai trò của Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TFA) và Khung đề xuất cho Giai đoạn hai của Kế hoạch hành động khung kết nối chuỗi cung ứng 2017-2020.
Tại Đối thoại, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và khối doanh nghiệp kiến nghị về các yếu tố của thuận lợi hóa thương mại. Các đại biểu nhất trí cho rằng việc tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách đóng vai trò then chốt trong quá trình hợp tác chính sách của khu vực.
Các hoạt động của Mạng lưới mô hình cảng điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đối thoại lần này đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững, bao trùm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và của từng nền kinh tế thành viên APEC nói riêng./.