APEC 2017: Việt Nam quan tâm thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ

Các đại biểu tham dự Hội nghị Đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2 nhấn mạnh Việt Nam thực sự quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ.
APEC 2017: Việt Nam quan tâm thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ ảnh 1Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 26/9, các đại biểu tham dự Hội nghị Đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE 2) trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017 nhấn mạnh Việt Nam thực sự quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, đồng thời cũng chứng tỏ là một thành viên tích cực, năng động, trách nhiệm của APEC.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị diễn ra tại thành phố Huế, nhiều nội dung quan trọng đã được trình bày, chia sẻ, đặc biệt những vấn đề có tính định hướng, chiến lược đã được thảo luận kỹ càng.

Báo cáo tổng kết năm của Nhóm đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC do Chủ tịch Nhóm xây dựng đưa ra một bức tranh tổng thể, đầy đủ về những thành tựu, nỗ lực của Nhóm đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC trong năm vừa qua và nhận được sự hoan nghênh của tất cả các nền kinh tế. Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2015-2018 cũng được bổ sung thêm nhiều hoạt động.

Đoàn Việt Nam đề xuất bổ sung thêm các hoạt động liên quan đến việc áp dụng hướng dẫn bao trùm giới trong APEC sau khi hướng dẫn được thông qua. Philippines nhất trí sẽ cùng với Việt Nam và Ban Thư ký APEC xác định cụ thể các nội dung cần đưa vào kế hoạch chiến lược. Trên cơ sở kế hoạch chiến lược này và 5 trụ cột của Đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC, các nền kinh tế đều có kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Một số thành viên, trong đó có Việt Nam, đã cập nhật các thành tựu đạt được trong năm qua.

Về hợp tác giữa các diễn đàn, nhóm công tác của APEC, công tác phối hợp giữa Nhóm đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC và các diễn đàn khác của APEC cũng ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều dự án, sáng kiến chung. Các phần trình bày của các nhóm cho thấy vấn đề giới ngày càng hiện diện trong nhiều lĩnh vực như: Năng lượng, y tế, giao thông, du lịch, nông nghiệp, ngư nghiệp, phát triển nguồn nhân lực...

Các dự án do các nền kinh tế đề xuất, triển khai thực hiện cũng ngày càng đa dạng, đạt nhiều kết quả thiết thực. Dung lượng thông tin đưa ra rất nhiều, rất phong phú, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của tất cả đại biểu. Điều này nói lên vấn đề giới thực sự được thúc đẩy mạnh mẽ trong APEC và các nền kinh tế cũng đóng góp hết sức tích cực, trách nhiệm.

[Hội nghị thượng đỉnh APEC-2017: Thế giới hướng đến Việt Nam]

Một nội dung nghị sự quan trọng được thảo luận sôi nổi tại hội nghị là các tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC. Ý tưởng thành lập Quỹ này do Hoa Kỳ và Đài Bắc-Trung Hoa đưa ra từ năm 2016 và được các nền kinh tế hoan nghênh vì sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các nguồn lực cho việc triển khai các dự án, sáng kiến. Dự kiến, Quỹ sẽ chính thức hoạt động vào năm 2018.

Điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong phiên thứ nhất của hội nghị là phần trình bày và thảo luận về sáng kiến "Hướng dẫn bao trùm giới trong APEC" của Việt Nam.

Văn bản này đưa ra hướng dẫn về cách thức lồng ghép theo cách tiếp cận lấy công bằng làm trọng tâm và có trách nhiệm giới vào tất cả các chính sách, chương trình, dự án, công việc, kế hoạch hành động của APEC. Hướng dẫn lồng ghép giới kế thừa các nguyên tắc dựa trên khuôn khổ hội nhập phụ nữ trong APEC; việc xây dựng hướng dẫn bao trùm giới trong APEC là một đóng góp thiết thực của Việt Nam trong Năm APEC 2017, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các thành viên.

Trước đó, Hội nghị Đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 5/2017 tại Hà Nội. Việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam chủ trì tổ chức hai Hội nghị Đối tác chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC trong một năm cho thấy Việt Nam thực sự quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, đồng thời cũng chứng tỏ là một thành viên tích cực, năng động và trách nhiệm của APEC.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.